Sau hơn hai năm nặng duyên nặng nghiệp với việc cứu những sinh linh “không muốn chết”, trợ giúp những số phận éo le, trang cá nhân của Phạm Ánh Nguyệt (Bình An) có khoảng gần 14 nghìn người theo dõi.
Xem cách Nguyệt vận hành, kể về công việc thiện nguyện đầy nhạy cảm này, cách cô thuyết phục lôi kéo mọi người làm việc thiện lành, ít ai nghĩ đây là một phần cuộc sống của một phụ nữ 28 tuổi xinh đẹp, bà mẹ hai con bận bịu.
Nguyệt tự hào gọi những em bé được cô và nhóm bạn cứu giúp, chăm sóc là “chiến binh” kèm theo số tuần tuổi thai nhi khi ra đời để phân biệt. Hồi tháng tám vừa qua có tới bốn bé sinh non, từ 27 đến 34 tuần tuổi chào đời tưởng ít hy vọng mà sống được, khoẻ mạnh như một kỳ tích.
Những kỳ tích bé nhỏ
Mới đây câu chuyện về chiến binh 34 tuần Phạm Nguyễn Minh Đạt được Nguyệt kể bằng loạt video và ảnh chụp như nhật ký hành trình đã lấy nhiều nước mắt và nụ cười của người theo dõi. Mẹ bé Đạt mang thai bé khi đã có hai con trai. Gia đình chị rất nghèo, chồng không muốn chị sinh đứa con thứ ba nên ép chị bỏ thai. Người mẹ có lẽ phải đấu tranh lâu lắm nên đến tuần thứ 34 mới từ Cao Bằng lên phòng khám tư ở Đê La Thành sinh con và bỏ lại.
Trong video đầu tiên, bé Đạt sinh ra với nửa đầu tím bầm, da tái xám, bà đỡ vỗ, rung lắc mãi mới cất tiếng khóc. Ánh Nguyệt hô hào các mạnh thường quân gửi tiền để bé Đạt được vào phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi trung ương. Sau một tháng, em bé đã hồng hào, phản ứng nhanh nhẹn và được xuất viện.
Ngày em ra viện, mẹ Nguyệt lên mạng kêu gọi bạn bè tìm kiếm mẹ đẻ của em vì khi rời Hà Nội chị không để lại thông tin gì. Rất nhanh, các mẹ đã liên lạc được và hẹn mẹ Đạt về gặp con.
Trong đoạn video, mẹ Đạt (người quay phim không để lộ mặt) dáng người gầy héo, vừa ôm con vừa khóc, cậu bé một tháng tuổi như cảm nhận được máu mủ mếu xong lại cười.
Người mẹ nức nở xin lỗi con trai và nói với Nguyệt “Hoàn cảnh chị không nuôi được, cháu ở với chị thì khổ lắm, em tìm cho cháu gia đình tốt, thương cháu hộ chị”. Nguyệt cố thuyết phục “Hay là bọn em giữ cháu thêm một thời gian nữa, chị về suy nghĩ thêm biết đâu rồi sẽ đổi ý”. Người mẹ tội nghiệp nói “chị không thể em ạ”.
Từ bệnh viện, Đạt được mẹ Nguyệt đón về nhà, ngủ cùng giường, cậu bé rất ngoan. Sau một vài ngày, cậu được bố mẹ mới đến đón đi. Mẹ Nguyệt trình lên tường facebook một hoá đơn dài dằng dặc các phần tiền chi cho chiến binh 34 tuần trong đó bao gồm cả viện phí, xét nghiệm ADN, cho mẹ Đạt tiền tàu xe.
“May mắn thay, Minh Đạt không phải thở máy nên số tiền các bố mẹ gửi cho con thừa ra 25.320.000 đồng. Em sẽ lần lượt gửi trả để lần sau bố mẹ giúp các bé khác”.
Hương Ly - em bé ngốn tiền viện phí nhiều nhất và có khuôn mặt tiểu thư nhất
Cứ sau mỗi vụ giải cứu và gửi được một trẻ sơ sinh về nhà mới, Ánh Nguyệt lại cập nhật hoá đơn chi tiêu, kèm ảnh, clip em bé đó đang hạnh phúc để những người theo dõi giúp đỡ trước đó yên tâm, chia vui.
Điều kỳ diệu trở nên trọn vẹn khi em bé được mẹ ruột quay lại đón. Ánh Nguyệt từng đón bé Bông đỏ hỏn từ tay mẹ của bé tại nhà hộ sinh. Người mẹ trẻ khóc, năn nỉ “chị tìm nhà tử tế cho nó giúp em”. Không giống một số người đòi hỏi tiền bồi dưỡng, mẹ Bông chỉ xin Nguyệt 5 nghìn trả tiền vé trông xe.
Sau hai tháng mẹ Nguyệt, mẹ Dung, mẹ Hằng (bạn thân Nguyệt) thay nhau chăm Bông, bỗng một ngày Nguyệt mừng rơi nước mắt khi mẹ của Bông gọi điện ngỏ lời “giờ chị có cho em đón con không?”.
Bông bụ bẫm, ngộ nghĩnh nên có nhiều fan. Trước ngày Bông được mẹ ruột đón, các bố mẹ ùn ùn gửi quần áo, sữa cho bé. Có một mẹ nhận tài trợ giúp mẹ Bông tiền nhà trẻ và viện phí trong ba năm đầu đời của con. “Bông là một kết thúc có hậu”.
Bé Minh Đạt sống sót được như một kỳ tích
Bé Hà Việt Dũng cũng là một kỳ tích, sau sinh bé rất yếu, thế rồi qua được vòng chăm sóc đặc biệt, lớn nhanh, kháu khỉnh. Nhóm mẹ Nguyệt chần chừ không tìm bố mẹ mới vì hy vọng mẹ bé sẽ nghĩ lại. Tin vui mới nhất là mẹ bé từ Trung Quốc sẽ trở về đón con.
Chỉ có thể là “hâm”
Nguyệt thường gọi đùa chồng và các cô bạn thân cùng Nguyệt đeo đuổi việc cứu thai nhi là “hâm”. Họ tự bỏ tiền túi, công sức để làm những công việc vốn bị xã hội coi là kỳ dị. Họ giữ liên lạc với một số phòng khám tư, bệnh viện phụ sản, nhận hỗ trợ cứu chữa những bé sơ sinh bị mẹ bỏ và chôn cất những thai nhi bị hỏng do sinh quá non, không cứu được.
Một số trường hợp sản phụ sinh con xong bỏ luôn, từ chối xét nghiệm ADN, đứa trẻ phải vào Trung tâm bảo trợ người già và trẻ mồ côi. Khi trẻ không được xét nghiệm ADN, việc làm giấy tờ cho bé nhận bố mẹ nuôi vô cùng khó. Đồng nghĩa với việc thời gian sống khổ sở trong trại bảo trợ sẽ kéo dài. Sống không có hơi ấm của mẹ nhiều bé mất luôn trong những tháng đầu đời tại đó.
Ánh Nguyệt từng đau đầu vì trường hợp bé Hương Ly sinh quá non, phải thở máy, chăm sóc đặc biệt tốn đến gần 200 triệu viện phí. Thấy số tiền lớn kêu gọi được dễ dàng nhiều thị phi bàn phím nhảy vào soi mói, nghi ngờ Nguyệt trục lợi. Ơn trời, cô bé Hương Ly với khuôn mặt xinh đẹp tiểu thư đã khiến cho mẹ Nguyệt và các bố mẹ mạnh thường quân xóa tan phiền muộn. Hiện tại, bé đã thành con gái cưng của gia đình giàu có hạnh phúc.
Rất nhiều mạnh thường quân âm thầm giúp một lúc nhiều ca khó mà không cần xưng tên. Có trường hợp sản phụ người dân tộc vùng cao sinh non, đứa trẻ nguy kịch, các nhà tài trợ gửi tiền hỗ trợ cứu bé và dư ra đủ để bố mẹ em mang về xây nhà.
Trái lại, nhiều người làm giàu từ trẻ bơ vơ. Có những sư thầy sư cô liên tiếp nhắn tin với Nguyệt xin thêm trẻ sơ sinh mồ côi về trại trẻ của chùa. “Quân số càng đông, quĩ của họ sẽ càng lớn”. Trong khi đó, trước cộng đồng họ luôn kêu than là số trẻ quá tải, thiếu thốn đủ đường.
Một trong các mẹ cho Hương Ly bú
Cách đây nửa năm, hai bạn trẻ từ Đà Nẵng vốn hâm mộ hoạt động của Ánh Nguyệt đã ra Hà Nội học mô hình hoạt động cứu giúp thai nhi. Vừa mới đây, hai người bạn học cùng sinh năm 84 đó đã kêu gọi thành công đất và tiền để xây nghĩa trang cho thai nhi tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Trên trang cá nhân, Kiều Lộc và Diệp Bích Thảo kêu gọi vận động các bà bầu đừng bỏ con khi thai nhi đã thành hình hài. Nếu khó khăn nhóm sẽ hỗ trợ nuôi mẹ và con. Kiều Lộc xúc động chia sẻ “Tôi đã vận động được ba bà bầu (là sinh viên) giữ lại con, tôi vui lắm”.
Ánh Nguyệt, Kiều Lộc và một số hiếm người đang làm công việc “kỳ dị” này chỉ mong thất nghiệp. Mỗi người trong số họ đều biết, đây là công việc nhạy cảm, đáng sợ khi phải liên tục tiếp xúc với hài nhi không nguyên vẹn, dễ bị nghi ngờ thành “buôn bán trẻ sơ sinh cho gia đình hiếm muộn” thế nhưng họ vẫn không nản “lòng thanh thản, tâm bình an chỉ mình biết riêng mình là được”.