"B. ơi, cô chưa rõ sự việc thế nào. Nếu con oan ức cô sẽ minh oan cho con. Nếu con sai thì mình nhận lỗi và mình sửa thôi nhé. Chiều cô sẽ lắng nghe con nhé"; "Bây giờ nhớ lời cô, ai không thích mình hoặc không hợp thì coi đó là cái gai nhọn, mình càng gần, càng đôi co thì như nắm chặt gai vậy, người đau sẽ là mình. Vì thế tốt nhất là không hợp thì ngưng chơi. Sau này nếu cảm thấy ổn thì chơi tiếp. Giờ không hẹn gặp hay nói chuyện gì nữa, có vấn đề gì thì nói với mẹ và cô";
"Con à, cuộc đời có nhiều lần vấp ngã phải trả giá nhiều thứ như sức khỏe, tính mạng, danh dự, tiền bạc… Người thầy vĩ đại nhất trong các người thầy là kinh nghiệm, tuy nhiên học phí phải trả đôi khi rất đắt. Lần này con đã được người thầy kinh nghiệm chỉ giáo rồi, đó là điều quan trọng để con rút ra bài học. Con đã nỗ lực cố gắng sau vấp ngã, chứng tỏ con đã trưởng thành"…
Đó là một trong những dòng tin nhắn mà cô Bùi Thu Hà, giáo viên trường THCS Huỳnh Văn Nghệ - Quận Bình Tân – TP.HCM gửi cho học trò của mình khi 3 em xảy ra xô xát. Mâu thuẫn chưa đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, cô Hà cho rằng, giống như khói than vậy. Nếu không dập tắt hẳn, những mâu thuẫn nhỏ có thể tích tụ và chực chờ cơ hội bùng cháy. Và nhờ sự can thiệp kịp thời của giáo viên chủ nhiệm cùng sự vào cuộc của nhà trường, cha mẹ học sinh, các em đã hóa giải khúc mắc.
Cô Bùi Thu Hà, giáo viên trường THCS Huỳnh Văn Nghệ - Quận Bình Tân – TP.HCM.
Cuộc xô xát trong nhà vệ sinh
Lớp cô Hà chủ nhiệm năm đó vốn có 3 em chơi chung một nhóm, không hiểu sao một ngày lại nảy sinh những xích mích nhỏ. Từ đó, em A. nhìn hai bạn kia với ánh nhìn không thiện cảm. Mâu thuẫn cứ thế ngày một tăng lên, cho đến một hôm, hai em còn lại ra "tối hậu thư", yêu cầu bạn A. hoặc là vào nhà vệ sinh "nói chuyện" hoặc "xử" ngay tại lớp. A. sợ nên chọn vào nhà vệ sinh, các em nói chuyện qua lại và xô xát nhau.
Khi biết chuyện, cô Hà một mặt gặp riêng các em đang có mâu thuẫn để tìm hiểu nguyên nhân, cho các em nói chuyện giải quyết khúc mắc và đối chứng sự việc, một mặt gọi điện thông báo cho phụ huynh. Với em A., cô Hà nhờ bố mẹ đưa rước đi học giai đoạn đầu để tránh xảy ra điều không hay. Với hai em "gây chuyện", cô yêu cầu phụ huynh khuyên nhủ trước vì lo các em "giận quá mất khôn".
Vì mâu thuẫn đang ở đỉnh điểm nên giáo viên chủ nhiệm tạm thời cho các em tách ra, để thời gian xoa dịu tổn thương đang có, giúp các em bớt stress hơn và cũng không phát sinh thêm mâu thuẫn. Đồng thời khi đã nắm rõ sự việc, cô hẹn gặp phụ huynh của các em liên quan.
Cô Hà dành nhiều thời gian để lắng nghe từng em chia sẻ, chỉ ra điều chưa được, khuyến khích các em thay đổi thay vì đổ lỗi, trách mắng.
"Giáo viên tìm hiểu nguyên nhân ở nhiều phía, gặp riêng từng gia đình để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, cho 2 bên phụ huynh – giáo viên chủ nhiệm – đại diện nhà trường gặp nhau, để tìm ra tiếng nói chung, cùng tìm ra biện pháp giúp giải quyết vấn đề. Đồng thời, mình cũng thông báo với phụ huynh, mong phụ huynh quan tâm, kiểm soát con không để xảy ra sự việc tương tự. Nếu tái phạm sẽ có biện pháp mạnh tay hơn.
Mình cũng thông báo đến Ban giám hiệu, thầy cô bộ môn, giám thị để cùng phối hợp. Khi đã xảy ra bạo lực học đường thì phải phối hợp tất cả các bên liên quan giải quyết đến cùng và triệt để", cô Hà chia sẻ.
Trước đó, cô giáo cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề: kiểm soát cảm xúc, giáo dục đạo đức học sinh, dạy các em cách sống yêu thương, kĩ năng kiểm soát cảm xúc, kĩ năng khi bị bắt nạt học đường nên lúc có chuyện các em trong lớp đã báo cho giáo viên chủ nhiệm. Và nhờ đã tạo mối quan hệ gần gũi với học sinh nên em A. cũng chủ động tâm sự và xin cô giáo lời khuyên. Cô Hà dành nhiều thời gian để lắng nghe từng em chia sẻ, chỉ ra điều chưa được, khuyến khích các em thay đổi thay vì đổ lỗi, trách mắng.
Giáo viên cũng nhờ các em học sinh chơi thân với các em xảy ra bạo lực học đường, động viên các em sửa chữa vi phạm. Thông báo với lớp tình hình lớp và nhắc nhở các em lấy đó làm gương rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Với những biện pháp vừa mềm dẻo vừa mang tính răn đe, các em trong nhóm dù vẫn không "ưa" gì nhau nhưng không xảy ra thêm mâu thuẫn. Sau 1 năm chờ "xoa dịu tổn thương", 3 học sinh này đã làm hòa và một lần nữa trở thành bạn bè tốt của nhau.
Cách xử lý vấn đề bạo lực học đường: Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Theo cô Hà, trong môi trường học đường hiện nay, bạo lực học đường lúc nào cũng có thể xảy ra. Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất, bạo lực về lời nói hay thậm chí là bạo lực về tinh thần. Từ xích mích của hai hoặc ba học trò, có thể kéo thành hội, thành nhóm. Hơn thế, ở lứa tuổi của các em, do chưa có kinh nghiệm giải quyết các mối quan hệ, có thể sẽ khiến sự việc phức tạp hơn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Mâu thuẫn học sinh có thể hoá giải để không xảy ra bạo lực học đường nếu người lớn can thiệp đúng lúc và đến cùng. Cần phải bình tĩnh lắng nghe từ nhiều phương diện thay vì công kích bởi lỗi sai có thể đến từ 2 phía. Nếu định hướng đúng lúc, hoá giải mâu thuẫn thì nhiều em vẫn là bạn bè của nhau.
Giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức các trò chơi, buổi sinh hoạt tập thể để học sinh có sự gắn kết hơn.
Việc dạy dỗ học sinh không chỉ diễn ra ngay lúc đó mà cả quá trình lâu dài. Nhà trường, gia đình cần theo dõi biểu hiện của các em học sinh trên lớp bởi không loại trừ những đứa trẻ vẫn còn hằn thù, mâu thuẫn với nhau.
"Mình nghĩ một sự việc được xử lý thành công do nhiều yếu tố. Phụ huynh quan tâm học sinh và rất phối hợp với nhà trường tìm ra cách giải quyết. Giám thị nhà trường – giáo viên chủ nhiệm liên hệ chặt chẽ. Các em học sinh trước đó được dạy kĩ năng để khi xảy ra vấn đề chịu chia sẻ với người lớn để giúp các em giải quyết. Ngoài ra, tập thể lớp cũng không đồng tình với chuyện xô xát, bạo lực nhau nên có em chứng kiến đã báo cho giáo viên xử lý, cùng với cô khuyên giải các bạn", cô Hà chia sẻ.
Ngay từ khi khi giáo viên nhận lớp sẽ chia sẻ với các em vấn đề bạo lực học đường có thể xảy ra trong năm học, phân tích hậu quả cho phụ huynh từ buổi họp phụ huynh đầu tiên và bày tỏ muốn nhận được sự hỗ trợ trong năm học nếu xảy ra sự việc. Đồng thời, phổ biến nội quy đầu năm cho học sinh và phân tích hậu quả nếu xảy ra bạo lực học đường.
Trong quá trình công tác chủ nhiệm, giáo viên cũng cần luôn quan tâm sát sao đến học sinh, thường xuyên quan tâm thăm hỏi tình hình. Giáo viên chủ nhiệm có thể tổ chức các trò chơi, buổi sinh hoạt tập thể để học sinh có sự gắn kết hơn. Với các trường hợp nhận thấy học sinh có vấn đề về tâm lý thì tư vấn phụ huynh cho học sinh đi khám để điều trị tâm lý kịp thời.