“Điện thoại báo bây giờ là 10 độ đấy, thảo nào tay, chân tê buốt thế này”, vừa nói bà H (52 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa tháo sợi dây chun đang buộc chồng hoa cúc vàng từ giá thồ xe máy đặt xuống một góc đường trong chợ hoa Quảng Bá lúc 2h 15 phút sáng nay (19/12) rồi vội vàng chạy đến khu vực những người khác đang nhóm lửa để hơ tay.
Trong khi nhóm bà H đang hơ tay, bà Hà (50 tuổi) lại đang miệt mài bê các bó hoa hướng dương trên chiếc xe tải nhỏ cho những người đàn ông đang đứng chờ để họ mang vào chợ giao và bán.
“Hơn chục năm nay, cứ 11h đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau tôi lại bốc hoa thuê cho người ta, làm lâu dần cũng thấy quen nhưng mà mấy hôm nay rét quá nên ngoài áo phao tôi phải mặc cả áo mưa bên ngoài để đi làm”, bà Hà kể.
Theo ông Thành (49 tuổi), chủ một vườn hoa ở Mê Linh thì hàng ngày, cứ 18h hàng ngày, ông bắt đầu lái xe tải nhỏ chở hoa của gia đình đến chợ Quảng Bá để giao cho khách buôn, có những hôm ế hàng thì ông phải xuống xe đứng bán lẻ.
“Chợ hoa Quảng Bá họp từ chập tối hôm trước đến sáng hôm sau, giờ thương lái giao hoa chủ yếu là lúc 21h -23h và 3 - 4 giờ. Ngày cao điểm rơi vào những hôm trước rằm và mùng 1 như 13, 28, 29 âm lịch, những ngày ấy vào chợ không đi nổi vì chật cứng xe và người.
Đây là chợ hoa đầu mối lớn nhất khu vực Hà Nội, nó tổng hợp tất cả các loại hoa từ nhập khẩu, Sa Pa, Đà Lạt,…rồi lại phân phối đi các tỉnh. Ở đây thương lái vừa bán buôn vừa bán lẻ. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường hoa ảm đạm hơn hẳn mọi năm, riêng nhà tôi đợt COVID-19 vừa rồi phải lỗ mất 50 triệu đồng tiền gốc”, ông Thành cho biết.
Còn anh Nguyễn Văn Trường (34 tuổi), nhân viên một quầy hoa lớn và có tiếng trong chợ Quảng Bá cho hay, những ngày cao điểm, quầy hoa của anh có doanh thu khoảng 100 triệu đồng/ đêm, còn những hôm vắng khách thì rơi vào 20 triệu đồng/ đêm.
Đứng chờ thương lái đến chuyển các thùng hoa từ chiếc xe tải đông lạnh của mình, anh Xuy (36 tuổi, Lâm Đồng) chia sẻ: “Bình thường tôi lái xe chở hoa từ Đà Lạt ra chợ Quảng Bá mất 27 tiếng, nghĩa là tôi bắt đầu đi từ Đà Lạt lúc 19h tối 17/12, ra đến đây là khoảng 22, 23h ngày 18/12, nhưng mấy hôm nay miền Bắc lạnh nên tốc độ cũng giảm hơn, do đó hôm nay vào chợ lúc 2 rưỡi sáng (19/12) thế này. Tôi sẽ nghỉ lại đây đến trưa lại về Đà Lạt và chuẩn bị cho chuyến hoa tiếp theo”.
Chợ Quảng Bá lúc 2h 40 sáng, nhiệt độ giảm sâu và có sương nên nhiều phụ nữ phải lấy chăn mỏng quấn quanh người rồi tranh thủ chợp mắt trong những thùng carton vốn để đựng hoa trước khi giờ cao điểm của chợ hoa (3 - 4 giờ sáng) đến.
“Tầm này ở nhà là ngủ ngon nhất này, nhưng mà không đi chợ thì đói lại còn sắp Tết nhất, mệt người, thôi thì cố chịu rét mà cả nhà ấm bụng còn hơn ngủ ấm mà bụng cồn cào”, bà H nói với một bạn hàng mà như đang nói với chính mình.
Phía lề đường Âu Cơ, một số thương lái đã mua xong hoa thì í ới gọi nhau: “Lấy đủ chưa, tranh thủ về ngủ 1 – 2 tiếng rồi sáng trời thì đi bán, cứng hết tay rồi”.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá.
Dự báo rét đậm, rét hại sẽ kéo dài liên tục đến Chủ nhật (20/12) tại Bắc bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đó, khu vực rét nhất là các tỉnh vùng núi và trung du phía Bắc do vừa chịu ảnh hưởng mạnh nhất của không khí lạnh, vừa có sự giảm nhiệt của địa hình núi cao.
Thủ đô Hà Nội từ nay đến 20/12 cũng xảy ra tình trạng rét đậm với nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng từ 11-13 độ.