Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần

Bình Minh |

TPM, một con chip mà trước đó nhiều người còn không biết nó là gì, bỗng chốc được săn đón và thổi giá sau sự ra mắt của Windows 11.

Microsoft mới đây đã tung ra Windows 11, phiên bản Windows sẽ kế nhiệm cho Windows 10 hiện tại. Windows 11 mang đến một vài thay đổi về giao diện (Start Menu mới, cửa sổ bo góc...), kèm theo một vài tính năng như Snap layout, Microsoft Teams tích hợp sẵn, tăng cường trải nghiệm chơi game và đặc biệt là khả năng chạy ứng dụng Android.

Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần - Ảnh 1.

Windows 11

Thế nhưng, để có được những tính năng này, Windows 11 cũng đòi hỏi phần cứng rất khắt khe. Bên cạnh những yêu cầu cơ bản như chip lõi kép 1Ghz 64-bit, RAM 4GB, ổ cứng 64GB... thì Windows 11 còn đòi hỏi chip bảo mật TPM 2.0.

TPM, viết tắt của Trusted Platform Module, là một linh kiện không bắt buộc trên một chiếc PC. Nó có thể được tích hợp trên bo mạch chủ hoặc trực tiếp trên một số mẫu CPU đời mới. Nhiệm vụ của TPM liên quan đến bảo mật của máy, cụ thể là mã hoá dữ liệu trên ổ cứng. Do đây là một nhu cầu mà đa số người dùng không cần đến, vậy nên TPM là thứ được rất ít được để ý tới.

Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần - Ảnh 2.

Một con chip TPM gắn lên mainboard của Asus

Theo thông tin ban đầu được Microsoft công bố, một chiếc PC chỉ cần chip TPM 1.2 là đã đủ điều kiện nâng cấp lên Windows 11. Thế nhưng, Microsoft sau đó đã đính chính thông tin này, và cho biết Windows 11 yêu cầu PC phải có chip TPM 2.0. Ngoài ra, danh sách những CPU được hỗ trợ còn cho thấy chỉ những con chip Intel thế hệ 8 trở lên hoặc AMD Ryzen 2000 trở lên mới có thể cài đặt Windows 11.

Chính yêu cầu này của Windows 11 đã khiến cho sự quan tâm của người dùng với chip TPM gắn rời tăng đột biến trong vài ngày qua. Thậm chí, những kẻ "ôm hàng" đã nhân cơ hội này để mua hàng loạt các chip TPM để bán ra với mức giá cao hơn nhằm kiếm lời.

Những con chip TPM 2.0, vốn trước đây có giá chỉ khoảng 10-15 USD mà vẫn chẳng có ai thèm đoái hoài, bỗng chốc trở thành món hàng hot và được đẩy giá cao gấp nhiều lần. Ví dụ, một con chip TPM 2.0 của Gigabyte mang mã hiệu GC-TPM2.0 đang được bán trên eBay với giá... 175 USD, cao gấp 10 lần so với chỉ vài ngày trước đó.

Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần - Ảnh 3.
Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần - Ảnh 4.

Những con chip TPM đang được bán với giá gấp hàng chục lần so với giá gốc trên eBay

Mặc dù vậy, để tìm được một con chip TPM là điều không hề đơn giản. Như đã nói ở trên, do trước đó những con chip TPM như thế này là thứ mà chẳng mấy ai quan tâm, vậy nên nó được sản xuất với số lượng tương đối hạn chế. Điều này khiến cho nguồn cung của chip TPM vốn đã khan hiếm, nay càng trở nên khan hiếm hơn sau sự kiện ra mắt của Windows 11.

Hiện nay, trên các trang thương mại điện tử, những con chip TPM với mức giá được coi là "chấp nhận được" (dưới 30 USD) đều đã lâm vào cảnh hết hàng. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là những kẻ đầu cơ, thu mua số lượng lớn chip TPM ngay sau khi nhận thấy nhu cầu của người dùng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Nhờ Windows 11, thứ linh kiện mà trước đó chẳng ai quan tâm bỗng chốc trở nên khan hiếm, tăng giá gấp nhiều lần - Ảnh 5.

Một con chip TPM của Asus từng có giá dao động khoảng 1.22 đến 7.99 USD, sau đó vọt lên hơn 20 USD sau khi Microsoft công bố Windows 11. Con chip này hiện đã hết hàng.

Mặc dù vậy, người dùng không nên nóng vội mua chip TPM ở thời điểm này. Không chỉ bởi mức giá cao, mà người dùng còn rất nhiều thời gian để chờ đợi do phải đến cuối năm nay thì phiên bản chính thức của Windows 11 mới chính thức ra mắt. Ngoài ra, trên phiên bản Windows 11 bị rò rỉ trước đó, người dùng đã tìm ra cách chỉnh sửa bộ cài để có thể bỏ qua yêu cầu phần cứng, giúp cho mọi PC có thể nâng cấp lên Windows 11 mà không cần đến chip TPM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại