Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin gần đây thông báo, các thỏa thuận hợp tác, trong đó có một loạt hợp đồng bán vũ khí hạng nặng, đã được Nga ký kết với rất nhiều nước đến từ Trung Đông, Châu Phi, Châu Á-Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latin.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), năm 2018, Nga đã vượt qua Anh trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. SIPR là tổ chức chuyên theo dõi hoạt động của các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Trên thực tế, các công ty vũ khí của Nga chiếm gần 10% tổng số xuất khẩu vũ khí của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.
Thiết bị vũ khí của Nga đã đạt được danh tiếng tốt về cả mặt thiết kế và độ mạnh trong khi giá thành tương đối rẻ so với các thiết bị của Mỹ và phương Tây. Hệ thống tên lửa S-400 của Nga là đối thủ ngang hàng với tên lửa Patriot của Mỹ nhưng giá chỉ bằng một nửa. Cả hai cường quốc lớn hàng đầu Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ đều đã mua tên lửa S-400 của Nga.
Phát biểu trước các phóng viên hồi năm ngoái, cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Không quân Ấn Độ Kapil Kak đã nói rằng, xét về hệ thống radar phát hiện và dò theo mục tiêu, về các thông số liên quan đến độ cao và phạm vi mà hệ thống S-400 có thể bao phủ, tên lửa này của Nga là tốt nhất thế giới và “ưu việt” hơn bất kỳ tên lửa nào khác, kể cả Patriot của Mỹ.
Những nỗ lực của Washington trong việc gây sức ép để buộc các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ mua hệ thống vũ khí của Mỹ thay vì của Nga đã không đạt được kết quả mong muốn và bị nhiều nước coi là hành động xâm phạm quyền tự trị chiến lược của họ.
Nga trong những năm gần đây đã xâm nhập sâu hơn vào thị trường vũ khí ở Đông Nam Á khi các nước trong khu vực đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hành động cứng rắn và quyết liệt.
Trong khi Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai toàn cầu thì nước này đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí số 1 ở Đông Nam Á. Các nước trong khu vực này đã dành 6,6 tỉ USD để mua vũ khí của Nga từ năm 2010 đến 2017. Con số này bằng cả con số của Mỹ và Trung Quốc cộng lại. Doanh thu từ bán vũ khí cho khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 12% tổng doanh thu bán vũ khí của Nga.
Với những gì đang diễn ra, Nga rõ ràng không bị cô lập như phương Tây tuyên bố. Moscow đã mở rộng các thị trường bán vũ khí, đặc biệt với Đông Nam Á. Vì thế, trước sự bao vây, cô lập của phương Tây, Nga vẫn xoay sở thành công để phá vỡ vòng vây, tiếp tục đạt được những thành công vững chắc trên thị trường vũ khí.
Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.