USD tiếp tục kéo dài chuỗi tăng điểm kỷ lục so với đồng tiền chung châu Âu, nhờ những đồn đoán rằng chính sách kinh tế “làm hồi sinh” lạm phát của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ buộc Mỹ phải đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đồng bạc xanh đã tăng giá 10 ngày liên tiếp so với euro, chuỗi tăng dài nhất kể từ khi euro ra đời năm 1999. Còn so với yên Nhật, USD đang có 2 tuần tăng giá mạnh nhất kể từ những năm 1980.
Đứng sau đà tăng giá của USD trong suốt 2 tuần qua là những đặt cược cho rằng nội các mới của ông Trump sẽ tăng chi tiêu công và đẩy tăng lạm phát. Thêm vào đó phát biểu hôm thứ 5 tuần trước (17/11), Chủ tịch Fed Janet Yellen khẳng định Fed vẫn đang trên đường nâng lãi suất.
Cuối tuần trước USD chạm mốc cao nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. 2 tuần qua đồng tiền này tăng 7,4% so với yên, đã lên đến 110.91 yên đổi 1 USD – cao nhất kể từ năm 1988.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đo lường diễn biến của USD so với 10 đồng tiền chủ chốt chạm mốc cao nhất kể từ tháng 2. Kể từ đầu năm đến nay chỉ số này tăng 1,5%, đảo ngược đà giảm trong suốt những tháng đầu năm.
Đà tăng mạnh mẽ của đồng USD làm dấy lên một câu hỏi tưởng như đã cũ: Liệu đồng bạc xanh có thể ngang giá với đồng euro? Trong 2 tuần qua, euro đã giảm 4% so với USD, còn 1,06 USD đổi 1 euro – mức thấp chưa từng thấy trong 12 tháng gần nhất.
Trong khi USD được hỗ trợ bởi triển vọng lãi suất tăng và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ dưới thời Donald Trump, euro đang đứng trước nhiều yếu tố bất lợi.
NHTW châu Âu (ECB) sẽ có cuộc họp chính sách trong tuần này, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách phát đi một số tín hiệu cho thấy lãi suất có thể bị đẩy xuống thấp hơn và chương trình mua trái phiếu sẽ tiếp tục được mở rộng.
Đồng thời đồng tiền chung châu Âu còn đứng trước làn sóng sôi sục của chủ nghĩa dân túy, trong bối cảnh nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử trong những tháng tới.
Đầu tháng 12, Italy sẽ bước vào cuộc chưng cầu dân ý về thay đổi trong hiến pháp và Chính phủ của Thủ tướng Matteo Renzi đang đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm. Nếu ông Renzi – một trong những lãnh đạo cấp tiến nhất của châu Âu – từ chức, quá trình cải cách của kinh tế Italy sẽ bị “đóng băng”.
Theo sau đó sẽ là các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và Hà Lan, tất cả đều có bóng dáng của chủ nghĩa dân túy và những tư tưởng đi ngược lại với những giá trị truyền thống của xã hội.
Sau chiến thắng của Donald Trump, Citigroup nhận định dự báo về cặp tỷ giá euro – USD đã “quay ngoắt 180 độ”. Giờ đây ngân hàng này thậm chí dự báo euro sẽ rơi xuống mức chỉ bằng 0,98 USD trong 6 đến 12 tháng tới.
Đồng euro giảm giá có thể là tin tốt cho nền kinh tế châu Âu, giúp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thúc đẩy lạm phát tiến tới mức mục tiêu 2% của ECB. Tuy nhiên đây không phải là tin tốt đối với người tiêu dùng.