Trước khi thắng cử chủ tịch Barca, Laporta đã nhiều lần phản đối Super League.
Cùng 2 ông lớn bóng đá Tây Ban Nha là Real Madrid và Atletico Madrid, Barcelona đã tham gia sáng lập Super League với 3 CLB Italia (Juventus, AC Milan và Inter Milan) và nhóm Big Six của Premier League (Man Utd, Chelsea, Arsenal, Liverpool, Man City và Tottenham).
Đúng 2 ngày sau khi 12 thành viên nói trên đưa ra tuyên bố chung thành lập Super League, 6 đội bóng Anh đã rút lui trước sức ép quá lớn của UEFA, FIFA, chính phủ Anh, đặc biệt là NHM.
Một đội bóng nữa cũng gần như chắc chắn bỏ giải là Inter Milan. Theo chuyên gia chuyển nhượng người Italia, Fabrizio Romano, CLB AC Milan cũng cân nhắc không tham gia dự án bóng đá đầy tai tiếng này. Về phía 3 đội bóng Tây Ban Nha, theo Goal, Barcelona cũng có thể rút khỏi Super League.
Theo El Chiringuito - chương trình truyền hình bóng đá nổi tiếng Tây Ban Nha, Super League đang tiến hành thủ tục khởi kiện 6 đội bóng Anh vì phá vỡ hợp đồng đã kí khi tham gia sáng lập giải đấu.
Về trường hợp của Blaugrana, theo kênh TV3, nếu bỏ giải, Barcelona sẽ không bị kiện và phạt. Cụ thể, trong thỏa thuận kí với Super League, chủ tịch Joan Laporta có cài điều khoản cho phép Barca rút khỏi Super League, nếu các hội viên của họ bỏ phiếu chống dự án này.
Như CĐV của 12 đội bóng sáng lập Super League, các cule kịch liệt phản đối dự án này suốt 2 ngày qua. Do đó, gần như chắc chắn họ không đồng tình để Barcelona tham gia. Vì thế, nếu rút khỏi giải, đội bóng xứ Catalan sẽ không bị Super League kiện và phạt.
Tránh bị Super League kiện và phạt nhưng Barcelona đứng trước nguy cơ "dính đòn" từ LĐBĐ châu Âu và LĐBĐ Tây Ban Nha. Tương tự Barca, 11 đội bóng sáng lập giải đấu ly khai này cũng có thể bị UEFA và các liên đoàn bóng đá nước họ phạt.