Kết thúc tháng 4, các công ty nghiên cứu thị trường đã bắt đầu công bố các con số về thị trường smartphone quý 1/2020. Không nằm ngoài dự đoán, doanh số di động trên toàn cầu đã suy giảm nặng nề do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Tùy theo nguồn tin thống kê, mức giảm nằm từ khoảng 12% đến 14%.
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là 2 gã khổng lồ đang đứng đầu thị trường, Samsung và Huawei. Theo số liệu Counterpoint, lượng smartphone Samsung bán ra trong quý 1 giảm 13 triệu máy so với cùng kỳ 2019. Ở vị trí số 2, Huawei giảm 10 triệu máy trong khi các đối thủ như Apple, OPPO và Vivo đều suy giảm khoảng 2 triệu máy.
Trừ Xiaomi và Realme, tất cả các hãng smartphone khác đều chứng kiến doanh số smartphone suy giảm.
Tuy vậy, không phải tất cả các thương hiệu smartphone đều phải gánh chịu thất bại trong quý 1 đầy khó khăn vừa qua. Bất chấp tình cảnh chung của toàn bộ thị trường là suy giảm ở mức 2 chữ số, 2 thương hiệu Xiaomi và Realme đều đã chứng kiến lượng smartphone bán ra tăng trưởng trong quý 1.
Cả 2 đều không phải là những cái tên xa lạ với người dùng phân khúc giá rẻ. Nổi danh từ những năm đầu thập niên trước, Xiaomi dùng chiến lược giá siêu rẻ để thu hút người dùng. Dù đã trở thành một thương hiệu cận cao cấp, hãng Trung Quốc này vẫn duy trì thương hiệu con Redmi để "phá giá" cấu hình so với các đối thủ cạnh tranh.
Còn Realme là thương hiệu tách ra từ OPPO, một thương hiệu thường xuyên cạnh tranh các vị trí cuối trong top 5 toàn cầu với Xiaomi. Với trọng tâm là Ấn Độ cùng các thị trường trọng cấu hình khác, Realme có thể coi là đối thủ trực tiếp của Redmi khi cũng bán smartphone giá rẻ với cấu hình vượt tầm giá. Chỉ chưa đầy một năm sau khi thành lập chính thức, thương hiệu này đã lọt top 10 toàn cầu, vượt mặt nhiều tên tuổi quen thuộc như Google Pixel hay Sony Xperia.
Trong mùa dịch, smartphone giá rẻ lên ngôi.
Trong quý 1 vừa qua, Realme tiếp tục thể hiện khả năng phát triển thần tốc khi tăng doanh số tới 150% so với cùng kỳ 2019 (từ 2,8 lên 7,2 triệu máy, số liệu Counterpoint). Còn Xiaomi tuy chỉ tăng vỏn vẹn 7% (khoảng 1,9 triệu máy) nhưng vẫn có thể coi là xuất sắc khi so sánh với mặt bằng chung: không một thương hiệu nào khác trong "top 6 thống trị" (Samsung, Huawei, Apple, OPPO, Xiaomi và Vivo) có thể thoát khỏi suy thoái trong quý vừa rồi.
Thực tế, quý 1/2020 chính là quý tồi tệ nhất của thị trường smartphone kể từ năm 2007 đến nay. Không nằm ngoài dự đoán, trong hoàn cảnh này smartphone giá rẻ đã lấn át smartphone cao cấp một cách tuyệt đối. Khi thu nhập của người dùng bị ảnh hưởng, khi các nhu cầu thực phẩm hay y tế được đặt lên trên, những chiếc điện thoại nghìn đô sẽ buộc phải nhường chỗ cho smartphone giá rẻ. Là 2 thương hiệu duy nhất còn lại của trào lưu phá giá năm xưa, Xiaomi Redmi và Realme đang là 2 kẻ hưởng lợi lớn nhất trong cái khó chung.
Thậm chí, đến cả ông lớn đại diện cho thị trường cao cấp là Apple cũng đã phải có những bước đi điều chỉnh để chạy theo Redmi và Realme. Vào tháng 4, Apple vén màn mẫu iPhone SE với cấu hình ngang ngửa iPhone 11 Pro và mức giá chỉ 400 USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 năm Apple phải hồi sinh mức giá này, cũng là mức giá thấp nhất từng được áp dụng cho iPhone trong quá khứ.
Ngay cả Apple cũng phải tìm cách thích nghi.
Theo các tin đồn, tháng 9 tới đây Apple sẽ vén màn 2 model iPhone 12 "thường" (không Pro), trong đó mẫu 5.4 inch sẽ có giá "chỉ" 650 USD, rẻ hơn 50 USD so với iPhone 11. Rõ ràng, Tim Cook đang buộc phải giảm giá iPhone sâu hơn, và lý do đầu tiên có thể nghĩ đến chính là sức công phá quá mạnh của các hãng smartphone "siêu rẻ" trong thời đại Covid-19.