Nếu không phải là người Trung Quốc, thật khó để hiểu WeChat hoạt động như thế nào và nó được sử dụng như thế nào. Nhưng WeChat có thể được ví như tất cả các ứng dụng của Mỹ: WhatsApp, Apple Pay, Uber, Facebook, Expedia và một loạt các ứng dụng khác - gộp lại làm một.
"WeChat rất phổ biến ở Trung Quốc" - Michael Xu, người Canada gốc Hoa, 28 tuổi nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện thông qua... WeChat. Michael rất ấn tượng bởi cách người thân của anh ta có thể sử dụng cùng một ứng dụng để làm mọi thứ, từ thanh toán hóa đơn, trò chuyện, chơi game với bạn bè đến gọi món ăn. "Ngay cả ông nội tôi, năm nay 88 tuổi, cũng dùng WeChat. Ông ấy sử dụng để gọi cho tôi, giờ ông còn biết dùng để đăng ảnh và bài viết, mọi lúc".
Vì vậy, Michael Xu quyết tâm thâm nhập vào thị trường trò chơi điện tử Trung Quốc thông qua WeChat, bước đầu tiên là tham gia khóa học lập trình WeChat tại Thượng Hải: "Hơn 1 tỷ dân Trung Quốc có mặt trên WeChat. Việc cho họ chơi trực tiếp các trò chơi trên WeChat dễ dàng hơn nhiều thay vì yêu cầu họ tải thêm một ứng dụng khác".
Chiến lược của Michael Xu đã thể hiện tầm ảnh hưởng sâu rộng của WeChat. Ứng dụng này được điều hành bởi Tencent Holdings, với hơn 1,1 tỷ người dùng, chủ yếu ở Trung Quốc. Để không ngừng mở rộng kinh doanh, theo tờ Financial Times, các ứng dụng tích hợp giúp WeChat trở thành nền tảng lớn đầu tiên cung cấp dịch vụ thay thế cho App Store từ Apple.
Thị trường ứng dụng trị giá hàng tỷ USD đã thu hút sự cạnh tranh khốc liệt. Chỉ riêng tại Trung Quốc, đã có hơn 4 triệu ứng dụng và đang tiếp tục tăng lên hàng ngày. Và thành công của WeChat đã truyền cảm hứng cho các công ty trên khắp châu Á để xây dựng các "siêu ứng dụng" trong khu vực.
Lĩnh vực này là một bước tiến lớn đối với những nền kinh tế mới nổi. Hàng triệu người ở các thị trường này đã từng lỡ nhịp kỷ nguyên khoa học máy tính, nhưng đang tiến thẳng vào thời đại smartphone, với các ứng dụng thông minh.
Mặc dù không có một báo cáo nào thống kê chính xác số lượng siêu ứng dụng, nhưng chúng đang mọc lên khắp nơi. "Siêu ứng dụng đã trở thành một ngành kinh doanh ở châu Á", Vishal Harnal, một đối tác chung của công ty liên doanh 500 startups tại Thung lũng Silicon ở Singapore nhận định.
Những tay chơi "siêu ứng dụng" ở thị trường Việt Nam
Các siêu ứng dụng ở Việt Nam, cũng giống như WeChat - đều xuất phát từ một dịch vụ cơ bản (gọi xe, nhắn tin, mạng xã hội), sau đó tích hợp thêm các tính năng mới, ví dụ như thanh toán điện tử vào nền tảng ban đầu, với sự tham gia của từ ông lớn, ông nhỏ đến đại gia ngoại quốc.
Hiện tại, Grab đang là người chơi nổi bật nhất trong cuộc đua siêu ứng dụng ở Việt Nam, với các dịch vụ giao nhận thức ăn, kết nối di chuyển cùng với thanh toán trực tuyến thông qua đối tác chiến lược Moca. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đã đạt mức tăng trưởng đến 150% trong 6 tháng đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày 300.000 đơn hàng.
Một ứng dụng gọi xe khác là Go-Viet cũng đang hướng tới trở thành một siêu ứng dụng, theo mô hình mà tập đoàn liên kết Go-Jek đang triển khai ở Indonesia, một thị trường có điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm dân số khá tương đồng với Việt Nam. Bà Lê Diệp Kiều Trang - Tổng giám đốc Go-Viet tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng hoàn thiện và đổi mới các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân Việt Nam".
Go-Viet đang có 125.000 đối tác tài xế, hoàn thành 100 triệu chuyến xe, tăng trưởng hơn 400% số lượng đơn đặt hàng trong 12 tháng hoạt động. Riêng mảng giao thức ăn tăng trưởng 25-35% mỗi tháng.
Ứng dụng đặt xe "be" cũng đã tăng tốc với beExpress và beDelivery. Thêm mảng này, hệ sinh thái Be Group đang có vận tải (beBike và beCar), giao nhận hàng hóa (beExpress và beDelivery) và dịch vụ tài chính (beFinancial). Công ty cũng cho biết sẽ sớm triển khai beFood. Hiện "be" có khoảng 40.000 tài xế và đã hoàn thành 20 triệu chuyến xe kể từ khi ra mắt cuối năm 2018.
Cũng với tham vọng trở thành một siêu ứng dụng, Zalo tích hợp thêm nhiều chức năng mới vào nền tảng ứng dụng trò chuyện ban đầu. Zalo Pay ra mắt năm 2017, có lợi thế từ việc có sẵn nền tảng người dùng khổng lồ từ ứng dụng nhắn tin chính. Zalo Taxi (đặt xe trực tuyến), Zalo Food (hợp tác với AhaMove - đặt đồ ăn trực tuyến), Zalo Travel (thông tin du lịch), Zalo Bank (tài chính), eGovernment (chính quyền thông minh) cũng lần lượt ra đời.
Không bỏ qua sức nóng của cuộc đua siêu ứng dụng, Mocha của Viettel được tập đoàn này định hướng trở thành trung tâm của hệ sinh thái dành cho giới trẻ, đáp ứng các nhu cầu nghe nhạc, xem phim, video, đọc tin tức, chơi game… và kết nối với nhiều ứng dụng khác của Viettel như ViettelPay, MyViettel, MyGo... Bản thân ứng dụng MyGo của Viettel Post đã tích hợp thêm cả dịch vụ gọi xe, bán hàng đa kênh, chuyển tiền, kinh doanh thương mại điện tử. Mocha mới đây đã bắt đầu nhảy vào thị trường eSports với Mocha ZD eSports. Hiện nay Mocha đã có 16 triệu người cài đặt và hơn 7 triệu người dùng thường xuyên.
Tác động đến nền kinh tế
Chưa có một nghiên cứu chính thức nào về cách thức vận hành cũng như tác động của các siêu ứng dụng này ở Việt Nam, nhưng các nhà phân tích của Nikkei Asian Review giải thích rằng, về cơ bản, siêu ứng dụng thu hút người dùng giữa một biển ứng dụng - và khiến họ lệ thuộc vào chúng.
Nghiên cứu của McKinsey Global Institute tại Trung Quốc chỉ ra, phát triển các siêu ứng dụng có thể đẩy nhanh quá trình thương mại hóa và tăng hiệu suất của các sản phẩm và dịch vụ mới lên đáng kể. Ví dụ, phải mất 8 năm để Alibaba AliExpress Taobao đạt được 100 triệu người dùng, nhưng chỉ có 5 để Alipay đạt được cột mốc tương tự.
Cũng như vậy, phải mất 12 năm để QQ - phần mềm nhắn tin tức thì của Tencent có được 100 triệu người dùng, WeChat chỉ mất 18 tháng và Tenpay chưa đầy một năm. Hongbao (nghĩa là lì xì) chỉ cần vài ngày để có được hàng triệu người dùng dịch vụ quà tặng của mình.
Nhà kinh tế Gan Li đã đề cập trong Bloomberg Podcast , mặc dù khó có thể tính được WeChat đóng góp bao nhiêu vào GDP, nhưng tiêu dùng trực tuyến (chủ yếu thông qua WeChat) chiếm tới 75% tổng tăng trưởng, là động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc.
WeChat cũng đã thay đổi phần lớn thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của người dân khi số hóa ngay cả các hoạt động truyền thống nhất của Trung Quốc như lấy tiền lương hưu hay lì xì vào dịp năm mới. Người dân hoàn toàn thoải mái khi chi tiêu và chuyển tiền bằng WeChat.
Công nghệ đọc QR với khả năng đọc ở khoảng cách xa và mất chưa tới 1 giây đã trở thành một phần cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Đó là một cách mạnh mẽ để kết nối thế giới số và thế giới vật lý. Sự tiện lợi của QR Code khiến nhiều cửa hàng không muốn lấy tiền mặt vì nó làm chậm dịch vụ. Người ta vẫn hay nói đùa rằng: "Ăn mày ở Trung Quốc cũng có QR Code".
Tốc độ và sự đơn giản của siêu ứng dụng đã biến Trung Quốc từ một xã hội chỉ dùng tiền mặt thành một xã hội không tiền mặt trong chưa đầy một thập kỷ.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Forbes cho rằng, siêu ứng dụng ở các quốc gia khác rất khó để có thể thống lĩnh thị trường giống như WeChat ở Trung Quốc, nên một số ứng dụng có thể lựa chọn cách "xuất ngoại", gia nhập thị trường nước ngoài, làm vậy có thể giúp đảm bảo "tuổi thọ" của siêu ứng dụng.