Nhìn thầy trò ông Park "cưỡi lưng hổ", mới thấy lo cho tương lai của HLV Park Hang-seo

Ngô Trà - Ảnh: Đông Anh |

Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc thương lượng để gia hạn hợp đồng giữa HLV Park Hang-seo và VFF? Mức lương hay sự toàn quyền về chuyên môn, hay chỉ là được "rảnh" hơn?

1. Trước HLV Park Hang-seo, nhà cầm quân nào là người thành công nhất với bóng đá Việt Nam? Không khó để tìm ra câu trả lời, tất nhiên là Henrique Calisto với chức vô địch AFF Cup 2008, tiếp đó là HCB SEA Games 2009, rồi vào đến bán kết AFF Cup 2010. Nhưng rồi ông thầy người Bồ Đào Nha cũng phải ra đi trong đau đớn.

Ngay sau khi rời Việt Nam, HLV Calisto đã có ngay bến đỗ chính là đội bóng mà thủ thành Đặng Văn Lâm đang đầu quân - Muathong United. Người ta từng đồn đoán rằng CLB Thái Lan này đã "cướp" người Bồ Đào Nha như cái cách mà họ "cướp" HLV Gamma của U23 Thái Lan vừa xong, và nguyên HLV ĐTQG và U23 Việt Nam này sang Thái theo tiếng gọi của đồng tiền, để rồi sẵn sàng "xé" hợp đồng đã ký với VFF.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức tin đồn, và lý do ông thầy Bồ Đào Nha từng rất nhiều năm gắn bó với bóng đá Việt Nam đưa ra để ra đi là không chịu nổi sức ép của dư luận sau thất bại ở AFF Cup 2010 - giải đấu mà đội tuyển Việt Nam "chỉ" vào đến bán kết.

Nhìn thầy trò ông Park cưỡi lưng hổ, mới thấy lo cho tương lai của HLV Park Hang-seo - Ảnh 1.

Ngày ấy, cũng như bây giờ, sau chức vô địch AFF Cup, đòi hỏi của người hâm mộ Việt Nam là rất cao, cụ thể là ở cấp độ Đông Nam Á, mọi thành tích ngoài chức vô địch đều là sự thất bại.

Hiện tại, với những gì đạt được trong suốt hơn một năm rưỡi qua, vị trí của HLV Park Hang-seo là bất khả xâm phạm. Điều người hâm mộ bóng đá nước nhà quan tâm duy nhất lúc này là làm sao để giữ chân được nhà cầm quân người Hàn Quốc này ở lại càng lâu càng tốt. Nhưng hãy nhớ, trước mặt HLV Park Hang-seo là 3 giải đấu cực kỳ cam go.

Với vị trí thứ 96 trên bảng xếp hạng FIFA, đồng nghĩa với việc "ngồi chiếu trên" so với đại kình địch Thái Lan ở nhóm hạt giống trong cuộc bốc thăm vòng loại World Cup 2022, rõ ràng chỉ tiêu lọt vào vòng loại thứ 3 là điều cổ động viên Việt Nam đang rất kỳ vọng ở thầy trò HLV Park Hang-seo.

Nhìn thầy trò ông Park cưỡi lưng hổ, mới thấy lo cho tương lai của HLV Park Hang-seo - Ảnh 2.

Tiếp theo đó là tấm huy chương vàng SEA Games - thứ mà không chỉ người hâm mộ, mà lãnh đạo VFF, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam quyết tâm buộc HLV Park Hang-seo phải đoạt cho bằng được. Và ngay sau đó là VCK U23 châu Á, giải đấu mà thầy Park từng đem nó ra làm lời hứa khi nhậm chức, để đem U23 Việt Nam đến đấu trường Olympic.

2. Mới đây nhất, thầy Park nhận tin buồn khi cậu học trò yêu thích Phan Văn Đức phải nghĩ ít nhất là đến hết năm nay vì đứt dây chằng chéo. Trước đó không lâu, là trường hợp y hệt của Đình Trọng - chốt chặn quan trọng nhất của ông ở hàng hậu vệ. Cả Văn Đức lẫn Đình Trọng đều tự chấn thương, chứ không phải va chạm với đối phương. Không khó để nhận ra mẫu số chung giữa hai ca chấn thương cực kỳ đáng tiếc với HLV Park Hang-seo này: quá tải.

Quang Hải đang gặp vấn đề khá nghiêm trọng về phong độ. Từ sau Asian Cup 2019, người ta không còn nhận ra một Quang Hải từng khiến cả châu Á phải điên đảo, thay vào đó một Quang Hải "lúc tỏ, lúc mờ". Nên nhớ, Quang Hải là quân bài quan trọng nhất của thầy Park, cũng như bóng đá Việt Nam, ở cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam.

Nhìn thầy trò ông Park cưỡi lưng hổ, mới thấy lo cho tương lai của HLV Park Hang-seo - Ảnh 3.

Chấn thương của Đình Trọng không đến ngẫu nhiên.

Tương tự là Quế Ngọc Hải. Từ sau Asian Cup 2019, dù được nghỉ ngơi kha khá vì án phạt, nhưng phong độ của trung vệ xứ Nghệ này ở King's Cup trên đất Thái là khá tệ. Tệ hơn nữa, sự đi xuống của Quế Ngọc Hải có vẻ không chỉ nằm ở phong độ, mà còn ở cả tâm lý thi đấu. Không có Đình Trọng bên cạnh, cùng Bùi Tiến Dũng đang sa sút thảm hại, Quế Ngọc Hải trở nên bơ vơ, hoang mang nơi hàng thủ Việt Nam.

Đâu chỉ có các cầu thủ, bản thân HLV Park Hang-seo cũng không ít lần than thở rằng mình bị quá tải khi phải cầm cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam. Đấy cũng là lý do nhà cầm quân người Hàn Quốc này khăng khăng xin chỉ cầm một đội tuyển, trước khi "được" lãnh đạo VFF "động viên" để cầm cả ĐTQG dự vòng loại World Cup lẫn U22 Việt Nam dự SEA Games 2019.

Nên nhớ rằng trong khi cùng ĐTQG Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022, thầy Park còn phải chuẩn bị cho U22 Việt Nam tham dự SEA Games 2019 với chỉ tiêu cao nhất.

Rất nhiều tuyển thủ quốc gia Việt Nam hiện tại đang phải "đá hai sân", chứ không riêng thầy Park, và bên cạnh nhiệm vụ quốc gia, họ vẫn phải lăn mình "cày cuốc" ở V.League cho CLB chủ quản. Và dù với những kỳ tích lập được dưới thời thầy Park, thì cũng không thể che lấp được một điều rằng ngoài lứa cầu thủ trẻ xuất sắc hiện tại, lứa kế cận của bóng đá Việt Nam chưa đủ để có thể gánh vác "các giải U", để không phải "dùng dao mổ trâu đi giết gà".

Nhìn thầy trò ông Park cưỡi lưng hổ, mới thấy lo cho tương lai của HLV Park Hang-seo - Ảnh 4.

Nếu tiếp tục thành công cùng lứa cầu thủ đã theo mình suốt hơn một năm rưỡi qua, thì nỗi lo của HLV Park Hang-seo vẫn còn đó, khi cả thầy lẫn trò đều đang bị vắt kiệt sức cho những thành tích trước mắt.

Nhược bằng nếu đen đủi khi không thể đạt được thành tích xứng với sự kỳ vọng của người hâm mộ, thì tấm gương tày liếp của HLV Calisto gần 10 năm về trước, thầy Park nên soi vào đó để đỡ bất ngờ.

Bởi thế, có lẽ điều quan trọng nhất trong cuộc thương lượng gia hạn hợp đồng giữa đại diện của HLV Park Hang-seo với VFF không phải là mức lương, mà là điều kiện làm việc giúp thầy Park không bị vắt đến kiệt sức vì căn bệnh thành tích vốn đã cắm rễ sâu vào tâm trí của rất nhiều người. Điều đó không chỉ giúp cho thầy Park đỡ căng thẳng hơn, mà còn là thứ giúp các tuyển thủ tự bảo vệ mình tốt hơn.

Nhưng với những thành tích vang dội đã có, liệu ông Park và các học trò của mình có dễ dàng "tụt xuống" một khi đã "cưỡi lên lưng hổ"?

Hỏi, tức là đã tự trả lời!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại