Nhìn thấy "mỏ vàng" lớn, Trung Quốc ào ạt đưa nhà máy sản xuất đến Việt Nam, gạt mọi đối thủ cản đường

Mạnh Kiên |

Nhìn thấy cơ hội lớn, các nhà cung ứng công nghệ Trung Quốc ào ạt tham gia cuộc đua chuyển nhà máy sang Việt Nam, Thái Lan để tìm kiếm động lực tăng trưởng.

Chuỗi cung ứng Trung Quốc tiến về Đông Nam Á

Các nhà cung ứng công nghệ Trung Quốc đang tham gia cuộc đua cạnh tranh ở Đông Nam Á, kỳ vọng đánh bật đối thủ là những đối tác sản xuất của Google và Apple lâu năm.

Foxconn, Compal Electronics, Quanta Computer, Pegatron và Inventec vốn được biết đến là những trụ cột chính giúp Google và những gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ trong nhiều năm qua.

Nhưng giờ đây, họ có nguy cơ tuột đơn hàng khỏi tay khi các công ty Trung Quốc đổ xô vào khu vực. Google đang yêu cầu nhà cung ứng Trung Quốc Goertek sản xuất đồng hồ Pixel tại Việt Nam, Nikkei Asia dẫn các nguồn tin quen thuộc vấn đề cho biết.

Trước đây, các đơn đặt hàng lắp ráp thiết bị từ lâu chỉ dành riêng cho các công ty đến từ Đài Loan (Trung Quốc), nhưng Goertek từ đại lục sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phiên bản đồng hồ mới nhất vào năm 2025. Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ giành được đơn đặt hàng cho năm 2026.

Nhìn thấy "mỏ vàng" lớn, Trung Quốc ào ạt đưa nhà máy sản xuất đến Việt Nam, gạt mọi đối thủ cản đường- Ảnh 1.

Trong khi đó, BYD của Trung Quốc đang đấu thầu sản xuất điện thoại Pixel ở Đông Nam Á, dù Google chưa đưa ra quyết định sau cùng. Tất cả điện thoại Pixel hiện đều được sản xuất bởi các nhà cung ứng đến từ Đài Loan. BYD được biết đến là đơn vị sản xuất iPad của Apple và có năng lực sản xuất lớn ở Đông Nam Á.

Tham vọng của Goertek và BYD nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong chuỗi cung ứng công nghệ. Đông Nam Á nổi lên như một điểm đến tiềm năng một phần nhờ vào sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Vị trí địa lý gần với Trung Quốc và chi phí lao động thấp hơn đáng kể giúp các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan trở thành lựa chọn hàng đầu để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nơi các công ty có thể dễ dàng vận chuyển linh kiện để lắp ráp.

Các nhà cung ứng công nghệ Trung Quốc được đánh giá là rất năng nổ ở bên ngoài. Trong danh sách nhà cung ứng hàng đầu của Apple, 37% trong số 35 nhà cung cấp của Apple tại Việt Nam là các công ty Trung Quốc, theo phân tích dữ liệu của Nikkei Asia.

Căng thẳng Mỹ-Trung không phải là yếu tố duy nhất đẩy các nhà cung cấp của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo Lai Ming-Kuen, tổng giám đốc của Acter, suy thoái kinh tế tại đại lục cũng thúc đẩy nhiều công ty khám phá các cơ hội quốc tế.

"Vì suy thoái kinh tế, chúng tôi nhận thấy rất nhiều công ty Trung Quốc đang chạy đua sang Đông Nam Á để giành thị trường và tìm kiếm động lực tăng trưởng ngoài thị trường nội địa", Lai nói.

Nhìn thấy "mỏ vàng" lớn, Trung Quốc ào ạt đưa nhà máy sản xuất đến Việt Nam, gạt mọi đối thủ cản đường- Ảnh 2.

Đôi bên cùng có lợi

Trong khi đó, Vincent Chang, giám đốc điều hành khu vực châu Á và liên lục địa tại Advantech, nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết, "chuỗi cung ứng đỏ", thuật ngữ chỉ các nhà cung ứng Trung Quốc, đang nhanh chóng xóa bỏ tiếng xấu về giá rẻ, chất lượng thấp.

"Chất lượng của họ đã được cải thiện đến mức độ cao nhất định. Họ hoàn toàn không còn là nhà cung cấp sản phẩm hạng hai nữa. Nếu còn giữ những ấn tượng lỗi thời như vậy, bạn sẽ thua lỗ nặng nề", Chang nhấn mạnh.

Những nhà cung ứng khác đang nhìn thấy sự cạnh tranh chưa từng có về mọi thứ, từ công nhân, đất đai cho đến các đơn đặt hàng.

"Trước đây, sự cạnh tranh với các nhà cung ứng Trung Quốc về cơ bản chỉ diễn ra ở Trung Quốc, nhưng giờ đây chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt ở Đông Nam Á", Chang nói.

"Họ có túi tiền dồi dào và đảm bảo chất lượng. Lợi thế của chúng tôi chỉ là hoạt động bên ngoài sớm hơn họ".

Brian Chen, đối tác tại KPMG Đài Loan và KPMG Việt Nam, cho biết các nhà cung ứng công nghệ Trung Quốc đã tiến rất nhanh trong việc đầu tư vào Đông Nam Á trong hai năm qua.

"Lấy Việt Nam làm ví dụ. Các công ty tư nhân hoặc nhà nước của Trung Quốc đang đa dạng hóa năng lực một cách có hệ thống tại đây", Chen nói với Nikkei Asia.

Ông cho biết, năng lực sản xuất mới ở Đông Nam Á để xuất khẩu có thể giúp ích cho các nhà cung ứng Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại