So với Hoàng Diệc Mai (Câu chuyện hoa hồng) thì đúng là tôi phải đi máy bay mới đuổi kịp cô ấy. Hoàng Diệc Mai xinh đẹp, xuất thân gia đình trí thức, có thành tích học tập xuất sắc, xuất phát điểm quá lợi thế nhưng cuối cùng cuộc đời cô ấy lại là chuỗi những bất hạnh.
Tôi thì chẳng xinh lắm, gọi là ưa nhìn, sống trong 1 gia đình khiếm khuyết với bà mẹ đơn thân. Người ta cứ nói là hồng nhan bạc mệnh, rồi tình duyên do số trời, đúng người sai thời điểm thì không thể hạnh phúc. Tôi thấy toàn quan điểm tào lao. Cái gì cũng do tay mình nắm bắt hết, đã đúng người thì chẳng bao giờ có sai thời điểm. Người ta không chọn mình thì là sai người rồi còn đúng cái nỗi gì, người ta cân đo đong đếm rồi vẫn gạt mình sang 1 bên đó thôi. Ý tôi là nhân vật Trang Quốc Đống – mối tình thanh xuân của Hoàng Diệc Mai. Rất nhiều người lầm tưởng đó là sự đúng người mà sai thời điểm. Cứ hiểu như thế thì các cô còn đau khổ dài dài.
Tâm sự 1 chút về bản thân. Tôi không cảm thấy xấu hổ khi phải nói điều này: Bố tôi là người đàn ông rất tệ. Ông ấy chính là hình mẫu đời thực của Phương Hiệp Văn và còn tệ hơn thế nữa. Ông ấy gia trưởng, ghen tuông, kiểm soát, coi thường vợ, thậm chí là bạo hành. Sau đó thì bố tôi qua đời vì ung thư phổi. Mẹ tôi ở vậy nuôi tôi đến giờ.
Mẹ tôi là người phụ nữ rất kiên cường, từ 1 cô công nhân may chạy ăn 3 bữa mà giờ có 3 xưởng may lớn (bố tôi không phá chắc mẹ giàu lâu rồi). Hồi bố còn sống cũng có lần tôi hỏi mẹ liệu bố mẹ có bỏ nhau không, mẹ nói bản chất bố là người tốt nên mẹ vẫn cho ông ấy cơ hội sửa sai. Năm bố mất tôi mới 14 tuổi và đương nhiên mẹ tôi vẫn chưa hề già.
Tôi rất thương mẹ, càng lớn tôi càng thương. Tôi nghĩ mẹ thiệt thòi vì nuôi tôi lớn mà không dám đi bước nữa, nhưng đến năm sinh nhật tôi 22 tuổi mẹ mới tâm sự thật: “Mẹ chẳng vì ai cả, mẹ vì bản thân mẹ thôi. Mẹ yêu cuộc sống tự do này. Mẹ đã dành cả tuổi xuân cho hôn nhân gia đình và cũng vùi chết cái thanh xuân đó trong tay 1 người đàn ông không đáng. Vậy hà cớ gì bây giờ cuộc sống sung túc, đủ đầy mẹ lại phải đi tìm 1 người đàn ông khác không biết họ có tốt thực sự hay không”.
Có lẽ tôi bị nhiễm tư tưởng ấy của mẹ nên giờ tôi đã bước sang tuổi 30 nhưng cũng thấy chồng là thứ không cần thiết. Tôi không thù ghét hay hằn học với đàn ông nhưng tôi nghĩ, cuộc sống mình đang rất ổn, tự do, tự chủ giờ lại phải nhìn nét mặt cả nhà chồng mà sống tôi không chịu nổi. Khi nào thực sự sẵn sàng tôi sẽ đi thụ tinh ống nghiệm để có con, về già cũng chẳng sợ cô đơn.
Hoàng Diệc Mai không chỉ có trong phim đâu, tôi đã gặp rất nhiều người như cô ấy, vì cô đơn mà yêu đại 1 người, vì đến tuổi mà lấy chồng rồi không chịu nổi lại ly hôn. Ly hôn hôn lại vì cô đơn quá mà ngả vào 1 vòng tay ấm, 1 vòng lặp luẩn quẩn và thật vô nghĩa. Tôi xem bình luận khán giả còn trêu đùa: “Người tốt như Phó Gia Minh thì lại sớm xanh cỏ”. Thế nên không kì vọng sẽ bớt thất vọng.
Tôi có chị bạn, kết hôn được vài năm thì chồng “biến hình”, chị ấy cũng vất vả mãi mới ly hôn được. Ngày nhận quyết định của tòa chúng tôi còn đi liên hoan. Thế mà nào ngờ, 2 năm sau chị ấy lại tái hôn, lý do là vì thèm có 1 người đàn ông trong nhà, thèm hơi ấm gia đình đầy đủ và người này trân trọng chị hơn gã chồng cũ. Thế rồi chị lại đẻ thêm 2 đứa con, cộng với con riêng là 4 đứa. Cuộc sống cứ tất bật nheo nhóc. Người đời bảo chị ngu dại nhưng chị vẫn mỉm cười hài lòng. Âu nó cũng là lựa chọn và mưu cầu hạnh phúc của mỗi người.
Cuối cùng tôi chỉ muốn nói, phụ nữ có đầy đủ những thứ mình muốn nếu không tìm được người thực sự phù hợp thì cũng không cần phải lấy chồng. Chọn chồng lắm lúc như canh bạc vậy, lúc yêu anh ta toàn màu hồng, lấy về lại thành màu đen. Vậy nên đừng để cuộc sống tự do tuyệt vời bị xáo trộn bởi định kiến và nguyên tắc truyền thống. Hạnh phúc phải chất lượng, phải giá trị chứ đừng tin vào những loại hạnh phúc có từ cảm xúc tạm thời mong manh.