Trên Daily Mail mới đây đã đăng tải những bức hình một số loài động vật chết vì rác thải do con người xả ra.
Điều đáng nói là trước đây, chúng ta luôn nghĩ rằng hệ sinh thái vùng cực Bắc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bàn tay con người nhưng những bức ảnh này đã vén màn điều hoàn toàn khác: Ô nhiễm môi trường không chừa một nơi nào cả.
Từ những hình ảnh được chụp từ một bộ phim tài liệu của BBC, người xem có thể thấy một chú tuần lộc được tìm thấy ở phía bắc Na Uy tử vong sau khi mắc kẹt vào lưới đánh bắt cá.
Phần sừng của chú tuần lộc tội nghiệp như bị gãy hẳn ra ngoài sau những nỗ lực để giải thoát chính mình. Tuy nhiên, tất cả đều vô ích và chú tuần lộc nằm phơi mình trong đau đớn.
Chú tuần lộc được phát hiện tại vùng phía bắc Na Uy.
Một bức ảnh khác khiến người xem đau lòng là hình ảnh chú gấu Bắc Cực đang tha một chiếc lưới khổng lồ - không rõ là bị mắc vào hay nó tha đi làm gì, và chú chim biển mắc kẹt trong lưới đánh cá.
Những bức hình này được công bố và đăng tải bởi viện nghiên cứu vùng cực bắc Na Uy như khiến người xem nhận ra một sự thật đau lòng rằng, không chỉ có rùa biển hay các loài cá mới là nạn nhân của rác thải, đồ nhựa mà con người đang thả trôi tràn lan trên biển.
Geir Wing Gabrielsen - đồng tác giả của một bản báo cáo về vấn đề ô nhiễm rác thải trên biển trả lời trên tờ BBC: "Chúng tôi ngày càng tìm thấy nhiều rác thải tại khu vực biển Svalbard. Vào khoảng những năm 1970, rất ít khi tìm thấy rác thải trong bụng các loài sinh vật.
Tuy nhiên đến năm 2013, trong một cuộc điều tra, người ta tìm thấy tới hơn 200 mảnh nhựa trong bụng của nhiều loài động vật nơi đây. Nhiều sinh vật khác thì chết vì những chiếc lưới mắc vào người, như tuần lộc chẳng hạn".
Một chú gấu trắng khác đang tha lưới đánh cá...
Và một con chim biển cũng bị mắc kẹt trong mối dây chằng chịt..
Có khoảng 10,000 mảnh lưới đánh bắt cá được tìm thấy tại vùng cực bắc tại địa phận Na Uy trong những đợt dọn dẹp bờ biển. Lưới đánh cá chính là một nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm đại dương tại Cực Bắc, với khoảng 80% rác thải nhựa là từ nghề đánh bắt cá mà ra.
Con hải cẩu bị một chiếc dây buộc vào bụng.
Ngày càng có nhiều khách du lịch tới vùng Cực Bắc và thải rác ra môi trường tự nhiên. Tuy nhiên giờ đây, những gì người ta thấy không hoàn toàn giống như trong các cuốn cẩm nang du lịch nữa khi môi trường nơi đây đang bị đe dọa nặng nề, rác thải ngập tràn và nhiều loài sinh vật chết dần vì vỏ hộp, đồ nhựa hay lưới đánh bắt cá.