Chiều tối nay, CTCP Hùng Vương ( HoSE: HVG ) và CTCP Sản xuất Phân phối và Chế biến Nông nghiệp (Thadi) sẽ ký kết hợp tác chiến lược. Thông tin ban đầu cho thấy 2 bên sẽ hợp tác trong mảng chăn nuôi lợn, thủy sản.
Đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2009, HVG từng là một cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư với nội tại kinh doanh mạnh. Cổ phiếu sau hơn một thập kỷ giao dịch đã có nhiều biến động lớn, ghi lại những sóng gió kinh doanh của “vua cá tra” một thời này.
Diễn biến giá HVG từ khi lên sàn (đã điều chỉnh). Nguồn: VNDirect.
Vua cá tra một thời
Hùng Vương được thành lập năm 2003 tại tỉnh Tiền Giang, có vốn điều lệ 32 tỷ đồng. Hoạt động chính lúc bấy giờ là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu với công suất nhà máy 50 tấn nguyên liệu/ngày.
Công ty sau khi thành lập liên tục đầu tư mới và mở rộng. Nhà máy thứ 2 được đưa vào hoạt động năm 2004 để nâng tổng công suất lên 150 tấn/ngày. Năm 2005, công ty mua thêm nhà máy thủy sản Tiền Giang và xây dựng vùng nuôi 40ha.
Năm 2006, Hùng Vương thành lập mới Công ty TNHH châu Á và mua lại Công ty Chế biến Thủy sản Vĩnh Long. Năm 2007, công ty đầu tư kho lạnh công suất 12.000 tấn, góp vốn thành lập Hùng Vương Miền Tây...
Việc đầu tư và bành trướng giúp Hùng Vương có những kết quả tích cực. Công ty của Chủ tịch Dương Ngọc Minh nhanh chóng lớn mạnh, vượt qua Nam Việt (ANV) để trở thành đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam giai đoạn 2008-2009.
Dù bị Vĩnh Hoàn vượt qua sau đó, Hùng Vương vẫn duy trì một kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng đến năm 2014. Thành quả kinh doanh ấn tượng đó giúp Hùng Vương được gọi là “vua cá tra” một thời.
Hùng Vương tăng trưởng tốt đến 2014. Đơn vị tính: tỷ đồng.
Trong giai đoạn hoàng kim, "vua cá tra" có khối tài sản vào khoảng 10.000 tỷ đồng, cấu trúc nợ vay được giữ mức khoảng 45% tổng tài sản với khả năng thanh toán tốt. Cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu gấp 3 lần vốn điều lệ, nguồn vốn thặng dư luôn ở mức cao cho việc phát triển sản xuất. Cổ tức bằng tiền duy trì đều đặn từ 10% mỗi năm.
Nguồn tiền lớn khiến Hùng Vương vung tay vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành cũng như mở rộng ra lĩnh vực kinh doanh khác trong giai đoạn 2014 như mua Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF), mua Thực phẩm Sao Ta (FMC), Thủy sản Tắc Vân (TFC) hay như thành lập công ty con Hùng Vương Sông Đốc, Hùng Vương Bến Tre, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn, bóng đá…
Đến những khoản lỗ trăm tỷ đồng
Năm 2015 báo hiệu thời thịnh vượng của Hùng Vương sắp kết thúc. Chịu tác động kép từ giá cá tra giảm do dư cung, vấn đề thuế quan tại các thị trường xuất khẩu và việc đầu tư dàn trải càng làm trầm trọng thêm những khó khăn.
Công ty lỗ kỷ lục hơn 700 tỷ đồng năm 2017 và tiếp tục mất thêm 500 tỷ năm 2019. "Vua cá tra" lỗ lũy kế gần 900 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.
Tổng tài sản của Hùng Vương hiện khoảng 8.800 tỷ đồng với phân nửa là các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho cũng chiếm khoảng 20%. Tiền mặt hiện chỉ còn hơn 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ phải trả của Hùng Vương đã gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu. Công ty phải đối mặt với gánh nặng nợ vay tài chính gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ quá hạn 600 tỷ đồng tại Vietcombank đang xin gia hạn.
Từ lãi trăm tỷ đồng, vua cá tra lao đao trong khủng hoảng.
Từ một công ty chuyên đi thâu tóm, số phận đưa Hùng Vương phải bán hàng loạt tài sản trong 2 năm gần đây. Công ty đã giải thể và bán đất tại Địa ốc An Lạc, chuyển nhượng cổ phần tại Sao Ta, Việt Thắng, Lâm Thủy sản Bến Tre (FBT), chấp nhận bán Kho lạnh 2 Tân Tạo, thoái toàn bộ 51% vốn Hùng Vương Sông Đốc.
Công ty cũng lên kế hoạch bán vốn tại công ty cá tra Agifish và thoái toàn bộ Thủy sản Hùng Vương Bến Tre. Mới đây nhất, vua cá tra quyết định bán 5 triệu cổ phiếu và sẽ sang nhượng lại cổ phần Hùng Vương Miền Tây.
Hùng Vương còn lại gì trước hợp tác?
Hệ thống của Hùng Vương hiện bao gồm 9 công ty con, 6 công ty liên kết và các đơn vị đầu tư khác.
Dù đã bán khá nhiều tài sản, Hùng Vương hiện vẫn còn nhiều tài sản có quy mô lớn khác. Mảng thủy sản bao gồm hệ thống 3 trại giống là Hùng Vương Ba Tri (cá giống), Hùng Vương Bến Tre (tôm giống) và Trại cá giống Quốc gia tại An Giang.
Vùng nuôi cá diện tích hơn 700ha tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Hệ thống các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm, 11 nhà máy chế biến cá với tổng công suất thiết kế trên 400.000 tấn/năm, 1 nhà máy chế biến tôm tại Cà Mau với công suất 7.000 tấn/năm, 3 nhà máy chuyên chế biến bột cá và mỡ cá với công suất 300.000 tấn/năm được xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan.
Một vùng nuôi của Hùng Vương.
Mảng chăn nuôi lợn bao gồm nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với 600.000 tấn/năm, hệ thống kho thức ăn chăn nuôi với tổng diện tích 80.000 m2, sức chứa tương đương 132.000 tấn.
Dự án chăn nuôi lợn của Hùng Vương được nhập trọn gói từ 4 đối tác Đan Mạch. Trong đó, tập đoàn Danbred International cung cấp đàn giống; tập đoàn Skiold chịu trách nhiệm thiết kế chuồng trại; tập đoàn Andritz cung cấp dây chuyền công nghệ; tập đoàn Vilomix cung cấp giải pháp dinh dưỡng.
Dự án này gồm 4 trại trên tổng diện tích chuồng trại 300 ha với 1.500 con cụ kỵ giống Đan Mạch có quy mô đủ cung cấp giống để thay đàn cho giống tại Việt Nam. Tổng công suất nuôi thiết kế 522.000 con/năm.
Trong động thái hợp tác với Thadi, giới đầu tư kỳ vọng hai bên sẽ có những hợp tác sâu rộng như đã từng xảy ra tại công ty nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai. Liệu Hùng Vương và Thadi sẽ tận dụng những lợi thế gì của nhau sẽ là câu hỏi rất được quan tâm.