Nhìn lại những đại dịch thiên niên kỷ và cơn ác mộng quẩn quanh Covid-19

Kiều Anh |

Covid-19 liệu có trở thành “bóng ma” ám ảnh nhân loại trong hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng thiên niên kỷ như các đại dịch khác trong lịch sử?

Trong những tháng qua, hơn 39 triệu người mắc Covid-19, hơn 1,1 triệu người tử vong (tính đến chiều 17/10) và dịch bệnh vẫn lây lan theo cấp số nhân, thậm chí xác nhận những kỷ lục mới tại nhiều khu vực. Hầu hết trong chúng ta đều đặt câu hỏi liệu điều này sẽ tiếp tục đến khi nào?

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế công cộng đã sử dụng các mô hình toán học để dự đoán về một tương lai trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng những mô hình này không phải những quả cầu thủy tinh báo trước tương lai, cũng như ngay cả những mô hình phức tạp nhất cũng không thể tiết lộ khi nào đại dịch kết thúc hay sẽ có bao nhiêu người tử vong.

Chúng ta đang ở đâu trong đại dịch?

Vào những ngày đầu đại dịch bùng phát, nhiều người hy vọng virus SARS-CoV-2 đơn giản sẽ biến mất. Một số người cho rằng virus này sẽ không còn nữa khi mùa hè tới. Những người khác thì khẳng định miễn dịch cộng đồng sẽ góp phần khiến đại dịch kết thúc khi có đủ số người mắc bệnh.

Dù vậy, không có điều gì trong những phỏng đoán đó xảy ra.

Thay vào đó, một loạt các nỗ lực y tế cộng đồng nhằm kiềm chế và giảm nhẹ sự lây lan của dịch bệnh, từ xét nghiệm hàng loạt, theo dõi tiếp xúc cho tới đeo khẩu trang, đã phần nào đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, giữa bối cảnh virus lây lan đến mọi ngõ ngách trên thế giới, việc chỉ đơn giản thực hiện những biện pháp trên không thể khiến đại dịch kết thúc.

Mọi sự chú ý hiện đều dồn vào quá trình phát triển vaccine, hiện được coi là đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Song, các chuyên gia cảnh báo rằng thậm chí một vaccine được phát triển thành công hay một phương pháp điều trị hiệu quả được tìm ra thì dịch Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Bởi lẽ nếu đại dịch này được kiểm soát ở một khu vực trên thế giới thì nó vẫn có thể tiếp tục ở nơi khác và sau đó lại lây lan ra mọi khu vực.

Nếu không còn là mối đe dọa ở mức độ đại dịch nữa thì Covid-19 có thể sẽ trở thành một bệnh dịch, gây nên những đợt bùng phát nhỏ hơn và xuất hiện giống như cúm mùa.

Lịch sử các đại dịch có nhiều minh chứng cho chúng ta thấy điều này.

Vòng lặp đáng sợ của dịch bệnh

Dù là do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng gây nên thì hầu hết dịch bệnh ảnh hưởng đến con người trong hàng nghìn năm qua vẫn tồn tại. Việc xóa sổ chúng là điều gần như bất khả thi.

Dịch bệnh duy nhất chúng ta có thể xóa sổ nhờ vaccine là đậu mùa. Chương trình tiêm vaccine hàng loạt của Tổ chức Y tế Thế giới trong những năm 1960, 1970 đã diễn ra thành công và năm 1980, bệnh đậu mùa đã được tuyên bố là dịch bệnh đầu tiên, và đến nay, vẫn là dịch bệnh duy nhất mà con người có thể xóa sổ hoàn toàn.

Ngay cả như vậy, những câu chuyện thành công như dịch bệnh đậu mùa vẫn chỉ là một ngoại lệ. Việc các dịch bệnh không hề biến mất mới là quy luật đang diễn ra.

Lấy ví dụ, chẳng hạn như bệnh sốt rét, đây là dịch bệnh lây nhiễm qua ký sinh trùng và gần như tồn tại từ khi con người xuất hiện cho đến nay. Thậm chí, trong thế kỷ 21, dịch bệnh này vẫn là một gánh nặng với nhân loại khi chỉ tính riêng năm 2018 đã có khoảng 228 triệu ca sốt rét và 405.000 ca tử vong trên toàn thế giới.

Từ năm 1955, các chương trình toàn cầu nhằm xóa sổ bệnh sốt rét đã có những thành công nhất định nhưng dịch bệnh này vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia thuộc Bán cầu Nam.

Tương tự, những dịch bệnh như lao phổi, hủi và dịch sởi đã tồn tại cùng chúng ta trong hàng thiên niên kỷ. Bất chấp nhiều nỗ lực, việc xóa sổ ngay lập tức các dịch bệnh này vẫn là điều bất khả thi.

Ngoài ra, với những dịch bệnh xuất hiện tương đối gần đây, chẳng hạn như HIV/AIDS, Ebola, cùng với các dịch bệnh do virus cúm và virus corona gây nên như SARS, MERS và Covid-19, bức tranh toàn cảnh về dịch bệnh đã trở nên rõ ràng.

Nghiên cứu về gánh nặng dịch bệnh toàn cầu cho thấy, tỷ lệ tử vong hàng năm do các dịch bệnh truyền nhiễm gây nên, hầu hết ở các nước đang phát triển, chiếm gần 1/3 tất cả ca tử vong trên toàn cầu.

Ngày nay, trong kỷ nguyên hàng không toàn cầu, biến đổi khí hậu và xáo trộn môi trường sinh thái, chúng ta thường xuyên bị phơi nhiễm trước mối đe dọa từ những dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, trong khi vẫn phải tiếp tục đối phó với dịch bệnh tồn tại đã lâu.

Khi nào cơn ác mộng Covid-19 chấm dứt?

Thậm chí cả khi các dịch bệnh có vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả thì chúng vẫn cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Có lẽ không dịch bệnh nào thể hiện điều này rõ hơn dịch hạch, dịch bệnh khiến nhiều người tử vong nhất trong lịch sử nhân loại. Tên của dịch bệnh này (plague), đồng nghĩa với từ nỗi kinh hoàng (horror).

Dịch hạch do vi khuẩn Yersinia gây nên. Có vô số đợt bùng phát địa phương và ít nhất 3 đại dịch hạch được ghi lại trong lịch sử trong 5.000 năm qua, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người.

Đại dịch hạch chết chóc nhất trong số trên là Cái chết Đen vào giữa thế kỷ 14. Dịch hạch quay lại vào mỗi thập kỷ hoặc xuất hiện thường xuyên hơn với mỗi lần "tái xuất" đều làm suy yếu xã hội và khiến nhiều người tử vong suốt 6 thế kỷ qua.

Chúng ta đều hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ không kéo dài trong hàng thiên niên kỷ nhưng cho đến khi có một vaccine hiệu quả được tìm ra, hoặc thậm chí sau đó, không có ai hoàn toàn an toàn. Ngoài ra, khi các chương trình tiêm vaccine suy giảm dần, dịch bệnh có thể quay trở lại, chẳng hạn như dịch sởi và bệnh bại liệt, những dịch bệnh đã xuất hiện lại ngay sau khi những nỗ lực tiêm phòng vaccine trở nên mờ nhạt.

Nhìn lại những bài học trong lịch sử, nhân loại đều hy vọng rằng Covid-19 là một dịch bệnh dễ kiểm soát và có thể xóa sổ được. Nhưng rõ ràng, lịch sử các đại dịch đã cho thấy, chúng ta cần chuẩn bị cho cả những kịch bản đi ngược với mong đợi của mình./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại