ĐHĐCĐ bất thường HAGL Agrico (HNG) kết thúc, đây cũng là thời khắc HAGL Agrico bước sang một trang mới, dưới trướng chủ mới và chấm dứt hơn thập kỷ đầy thăng trầm của bầu Đức trong cuộc chơi nông nghiệp phải nói là rất táo bạo và đầy mạo hiểm!
Kết cục này thực tế không quá bất ngờ và sớm được dự báo, đồng thời cũng không phải là kết thúc, mà có thể xem là mở đầu cho một hành trình mới của hai bên.
Trong đó, bầu Đức sau khi thoát "đại nạn" sẽ giữ lại những điều cần giữ và tập trung phát triển. Phía Thaco ngay sau Đại hội cũng đã công bố chiến lược phát triển 2021-2023 cùng ban quản trị điều hành mới của HAGL Agrico. Riêng năm 2021 Công ty sẽ tiếp tục chi 1.900 tỷ đồng để đầu tư, doanh thu dự kiến thu về 2.109 tỷ đồng.
HAGL Agrico 2010-2013: Thời hoàng kim với hậu phương "dữ dằn"
Nhìn lại hơn 10 năm của HAGL Agrico, cần thiết điểm qua công ty đỡ đầu là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Xuất phát điểm là một đơn vị đóng bàn ghế gỗ cho học sinh, bầu Đức từ 2 bàn tay trắng đã gầy dựng lên công ty đa ngành thuộc Top của thị trường.
Năm 2010, HAGL thành lập công ty nông nghiệp HAGL Agrico với vốn ban đầu vào mức 485 tỷ đồng, định hướng là công ty phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp gồm cao su, cọ dầu, bắp, mía đường và chăn nuôi bò. Những ngày đầu thành lập, HAGL Agrico tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục mở rộng quy mô.
Cần nhấn mạnh, giai đoạn 2008-2011, lợi thế từ quỹ đất, HAGL thắng lớn với bất động sản, thậm chí bầu Đức còn chơi ngông khi bán phá giá căn hộ khiến nhiều đơn vị cùng ngành điêu đứng.
Dòng tiền dồi dào, người cầm cương lúc bấy giờ đầy tự tin bước vào những ngành tiềm năng như thuỷ điện, khoáng sản, đáng kể nhất là mảng nông nghiệp khi liên tục tăng vốn HAGL Agrico theo cấp số nhân.
Hậu phương "dữ dằn", giai đoạn 2012-2015, doanh thu HAGL Agrico cũng nhảy vọt bằng lần, từ mức 135 tỷ (năm 2012) đột biến lên 1.630 tỷ đồng trong năm 2013. Đến năm 2015, doanh thu HAGL Agrico vào mức 4.731 tỷ đồng - tăng 114% so với năm trước và tăng 3.431% so với năm 2012.
Tương ứng, lợi nhuận tăng bình quân hơn 80%/năm, đặc biệt năm 2012 tăng vọt từ 3 tỷ (năm 2011) lên 685 tỷ đồng. Khi đó, giá cao su trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, thậm chí có lúc chạm mốc 6.000 USD/tấn trong năm 2011. Lúc bấy giờ, bầu Đức ước tính sau 5 năm sẽ thu về 200-300 triệu USD.
Cùng với cây cao su, HAGL Agrico còn trồng nhiều cây công nghiệp khác, như cọ dầu, mía, bắp quy mô mỗi cây trồng lên đến hàng nghìn ha.
Không hẳn ngủ quên trong chiến thắng, bầu Đức từng bày tỏ lo ngại việc thị trường bất động sản nóng một cách bất thường, và nông nghiệp chính là động thái HAGL phát triển thêm nhiều "chân" để tạo sự cân bằng.
Dù vậy, người tính không bằng trời tính, sau khi lập đỉnh vào năm 2011, giá cao su thế giới bất ngờ lao dốc mạnh. Phía thị trường bất động sản cũng đóng băng đẩy HAGL vào tính thế khó chồng khó.
Từ năm 2013, hiệu suất kinh doanh giảm mạnh khi hàng chục nghìn tỷ đổ vào cao su đến hồi phải thu hoạch ở giá đáy (~1.000 USD/USD), trong khi vay nợ vẫn ở mức cao. Năm 2015, biên lãi ròng giảm mạnh từ mức 43% thời đỉnh cao về chỉ còn 15%.
Từ hình tượng "bom tấn" niêm yết HoSE năm 2015
Năm 2015 cũng là năm bầu Đức đưa HAGL Agrico giao dịch lên sàn chứng khoán với mức định giá lên đến 19.800 tỷ đồng (giá tham chiếu 28.000 đồng/cp). Có quy mô lớn, HAGL Agrico là một trong những thương vụ niêm yết "bom tấn".
Lần đầu tiên một công ty nông nghiệp có vốn hoá thuộc Top 10 thị trường lúc bấy giờ, đứng ngang hàng với "vua thép" Hoà Phát (năm 2013 vốn hoá HPG vào khoảng 22.000 tỷ đồng) và ngân hàng Sacombank (STB, 20.000 tỷ đồng).
1 năm sau khi chào sàn, HAGL Agrico đã không thể cầm cự trước áp lực dòng tiền và báo lỗ ròng lên đến 1.800 tỷ đồng (năm 2016). Giai đoạn này, bầu Đức liên tục xoay vần sang nuôi bò… song song với việc tái cấu trúc thu hồi vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu HNG cũng rơi thẳng từ mức 35.000 đồng/cp xuống chỉ còn 5.000 đồng/cp chỉ trong thời gian ngắn, vốn hoá bốc hơi hơn 86%.
Đến nay, thị giá Công ty lình xình ở mức 15.000 đồng/cp, tương đương vốn hoá 17.848 tỷ đồng. Trong khi đó, 2 đơn vị sánh vai thời mới niêm yết là HPG đã đạt gần 142.000 tỷ đồng, STB dù trải qua nhiều biến động cũng đang ở mức 32.466 tỷ đồng.
Đến việc "trả giá" cho định hướng sai lầm trong quá khứ
Trang mới của HAGL Agrico bắt đầu từ năm 2017, bầu Đức định hướng phát triển lĩnh vực trái cây và tham vọng sẽ vươn ra tầm thế giới. Dĩ nhiên, tuyên bố này không còn khiến thị trường kỳ vọng, chính bầu Đức tại ĐHĐCĐ thường niên năm này cũng phân trần nói nhiều quá mọi người lại nghĩ mình "nổ".
Sau này, đi đúng hướng và kiên định dần mang về quả ngọt cho HAGL Agrico. Năm 2017, sản phẩm nông nghiệp của bầu Đức được xuất ngoại. Không chỉ mặt hàng chuối bày bán nhiều tại các siêu thị Campuchia, Trung Quốc… các sản phẩm khác như chanh dây, thanh long, ớt của HAGL Agrico cũng lần lượt xuất khẩu.
Dù vậy, những nguồn thu ban đầu trên không thể đủ để bù đắp cho những cuộc chơi ngông trong quá khứ. Lẩn quẩn với khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn… "bắt tay" với Thaco là cơ hội cuối cùng và cũng là duy nhất để HAGL Agrico tiếp tục tồn tại.
Bầu Đức trong lần đầu chia sẻ về cái "duyên" với Thaco khẳng định Thaco phải thực sự vững mạnh và can đảm mới có thể cứu được HAGL Agrico. Dẫu, trong quan hệ kinh doanh hai bên, nhiều ý kiến cho rằng bầu Đức hoàn toàn thất thế. Hôm nay, chính bầu Đức phản biện: "Ai nói Thaco thâu tóm HAGL Agrico, tôi còn phải năn nỉ ông Dương thâu tóm".
Quyết định phát hành 741,4 triệu cổ phiếu cho Thaco với giá 10.000 đồng/cp, bầu Đức bày tỏ với ông giá nào cũng được, miễn là HAGL Agrico tốt lên.
Và, bắt đầu từ ngày 8/1/2021, Chủ tịch Thaco - ông Trần Bá Dương – chính thức là Chủ tịch HĐQT HAGL Agrico, cùng nhiều thành viên chủ chốt khác. HAGL Agrico trở thành công ty con của Thagrico (Thadi cũ), trong đó HAGL chỉ còn sở hữu 26,82% vốn, Thaco Group và gia đình ông Dương nắm 63,08% vốn (cổ đông lớn nhất).
Cơ cấu cổ đông tại HAGL Agrico từ ngày 8/8/2021.
Không còn "cầm lái" HAGL Agrico, bản thân bầu Đức khẳng định không có gì tiếc nuối, mình sai thì chịu. Trong kinh doanh, đó là trả giá!
Lần cuối cùng nói chuyện với cổ đông HAGL Agrico, bầu Đức nói: "Ông Dương sẽ cầm lái thay tôi, cổ đông nên ủng hộ. Tôi cũng là cổ đông lớn thứ hai, tôi hoàn toàn tán thành điều này.
Tôi đẻ Công ty ra, nhưng phải giải phóng nó để mạnh giỏi chứ không cứ èo uột mãi. Các bạn là cổ đông cũng phải ủng hộ. Tôi muốn HAGL Agrico phải tốt, tốt nhất chứ không chỉ tốt vừa vừa".
Thực tế, giữa bối cảnh hiện tại, đây được xem là phương án tốt nhất cho HAGL Agrico và chính ông. Khi mà, dù đã quyết liệt giảm nợ suốt 2 năm qua, HAGL Agrico vẫn chưa thể cân đối được dòng vốn. Tính đến thời điểm hiện tại, HAGL Agrico còn dư nợ lên đến 16.078 tỷ đồng, gồm nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng, nợ Thagrico 5.944 tỷ đồng, nợ HAGL 2.178 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế tính đến 30/9/2020 hơn 2.500 tỷ đồng. Hơn nữa, HAGL Agrico hiện chỉ mới thực hiện chuyển đổi, làm lại đất nông nghiệp trên diện tích nhỏ so trên tổng hàng chục ngàn ha đất hiện hữu.
Riêng bầu Đức, không còn là cổ đông lớn nhất HAGL Agrico, ông cho biết sẽ tập trung nhiều hơn cho HAGL, vì HAGL thực tế còn rất khó khăn. Theo ước tính của ông, HAGL còn nợ đâu đó 8.000 tỷ đồng. Trong vòng vài năm tới, Công ty đặt trọng tâm là trả hết nợ, sau đó sẽ coi như làm lại từ đầu.
Như vậy, nhường lại "cuộc chơi" cho Thaco bầu Đức cho hay trút được phần lớn gánh nặng. Không còn bị ngân hàng dí, không còn phải đi "xin" giãn nợ...
"Bản thân tôi cách đây 4, 5 năm ra đường, họ nói xấu ông này nợ nhiều, tôi chịu. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên, tôi rất tự hào có một công ty sẽ không còn nợ ngân hàng, chính thức thoát ra khỏi vùng luẩn quẩn. Đâu ai có quyền đòi nợ nữa", bầu Đức tâm sự.
Thiết bị phun tự động trên cánh đồng HAGL Agrico.
Trang mới của HAGL Agrico - hướng tới nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ quản trị theo phương pháp công nghiệp
Sau khi bán hết 4 công ty và thu khoảng 9.000 tỷ, cộng với giá trị phát hành 7.000 tỷ: Tổng tiền HAGL Agrico thu về sẽ là 16.000 tỷ, vốn điều lệ cũng tăng lên 18.500 tỷ đồng - con số khá lớn. Trong đó, HAGL Agrico dự kiến sẽ trả hết nợ, điều mà bầu Đức ví von "lần đầu tiên có một công ty không nợ ngân hàng". Số dư lại sẽ bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.
Diện tích đất còn lại là 35.757ha tại Lào (27.383ha) và phía Bắc Campuchia (8.374ha). Định hướng của Thaco cho giai đoạn 2021-2023 sẽ sẽ tập trung trồng trọt cây ăn trái (chuối, xoài, dứa) và xác định chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt. Chi tiết:
+ Về trồng trọt cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến 31/12/2020 là 13.200ha (gồm chuối: 5.400ha, xoài 4.000ha, cây ăn trái khác 3.800ha). Kế hoạch trồng mới các cây ăn trái chủ lực đến năm 2023 là 9.700ha (trong đó chuối: 5.200ha, xoài 2.500ha, dứa: 2.000ha). Tổng diện tích vườn cây ăn trái đến hết năm 2023 là 21.800ha và 8.434ha cây cao su.
+ Về chăn nuôi bò: Tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con (trong đó bò sinh sản là 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo là 35.000 con).
Công ty cũng tập trung phát triển thị trường xuất khẩu trái cây, khai thác thị trường trong nước; cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ổn định chất lượng và sản lượng, từng bước khép kín chuỗi giá trị HAGL Agrico.