Nhìn lại hoạt động của 3 ngân hàng có tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước

Dy Khoa |

Báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội có nêu tên một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép, tỷ lệ nợ xấu cao…

Nhìn lại hoạt động của 3 ngân hàng có tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước và 5 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Trong đó, báo cáo chỉ ra, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa được giao trong năm 2021 khi được giao 13,48% nhưng thực hiện 15,67%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng vượt mức tăng trưởng tín dụng tối đa tại các thời điểm trong năm 2021 là ngày 31/7, 31/8, 30/9 và 31/10.

Cơ quan kiểm toán thuộc Quốc hội dẫn chứng tỷ lệ nợ xấu cao tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ở mức 8,41%.

Các ngân hàng trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước làm ăn ra sao?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021, thời điểm Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm toán, Ngân hàng Bản Việt ghi nhận lũy kế cả năm 2021, 1.435 tỷ đồng lãi thuần, tăng 30% so với năm 2020.

Do trích lập dự phòng của cả năm chỉ tăng 6,6% nên lợi nhuận sau thuế của Bản Việt đạt 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch. Nợ xấu của ngân hàng tính đến hết năm 2021 là 2,5%, giảm đáng kể so với mức 2,93% cuối quý 3/2021.

Trong báo cáo tài chính quý 4/2021, tăng trưởng tín dụng của Bản Việt đạt mức 16,5%. Thu nhập lãi thuần quý 4 năm đó đạt 358 tỷ đồng, tăng 14,7%. Kinh doanh ngoại hối lỗ 960 triệu đồng. Lãi thuần từ mua bán đầu tư chứng khoán đạt 3 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 19,5 tỷ đồng.

Nhìn lại hoạt động của 3 ngân hàng có tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh 2.

Quý 1/2023, Bản Việt ghi lợi nhuận trước thuế đạt gần 26 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, Bản Việt ghi lợi nhuận trước thuế đạt gần 26 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng - giảm mạnh 31,6% so với cùng kỳ, đạt 286 tỷ đồng. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế (không bao gồm các tổ chức tín dụng) và dân cư đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh năm 2021 của Ngân hàng Phương Đông cho thấy, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Bên cạnh đó, tổng tài sản đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Huy động vốn trên thị trường 1 (giao dịch giữa dân cư và tổ chức) bao gồm ủy thác đầu tư đạt 126.430 tỷ đồng, tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.

Còn trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023, Ngân hàng Phương Đông ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Nhìn lại hoạt động của 3 ngân hàng có tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh 3.

Quý 1/2023, Ngân hàng Phương Đông ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng.

Tổng thu thuần đạt 2.090 tỷ đồng, trong đó thu thuần trong lãi đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu thuần hoạt động của ngân hàng.

Đến hết quý 1/2023, tổng tài sản của Phương Đông đạt hơn 199.141 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Hoạt động cho vay khách hàng đạt gần 121.914 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tổng huy động thị trường 1 đạt 143.752 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Riêng tiền gửi khách hàng tại Phương Đông đạt 105.564 tỷ đồng, trong quý 1/2023.

Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tổng tài sản hợp nhất trong năm 2021 của ngân hàng này đạt 521.117 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%.

Tổng huy động đạt 464.521 tỷ đồng với gần 97% huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 388.216 tỷ đồng, tăng 14%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Nhìn lại hoạt động của 3 ngân hàng có tên trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước - Ảnh 4.

Tại quý 4/2022, số dư nợ xấu của Sài Gòn Thương Tín giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng.

Trong một bài viết được đăng ngày 31/3/2022 trên website của ngân hàng này, họ cho rằng, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý trong năm.

Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ, thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, kế hoạch 10.000 tỷ đồng.

Tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Sài Gòn Thương Tín cho biết: Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.

Số dư nợ xấu của Sài Gòn Thương Tín giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại