Nhìn lại di sản đối ngoại phức tạp trong 4 năm qua của Tổng thống Trump

Kiều Anh |

Việc đánh giá chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump dường như không có đúng và sai mà chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp với lập trường “Nước Mỹ trước tiên” của ông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Không phân định rạch ròi giữa đúng và sai

Trong vòng chưa tới 1 tháng nữa, Tổng thống Trump sẽ rời Nhà Trắng và quay trở về với cuộc sống riêng của ông. Các nhà quan sát sẽ dành thời gian từ giờ tới lúc Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức ngày 20/1/2021 để đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, những khác biệt mà ông đã tạo nên hoặc những hướng đi mà ông đã lựa chọn.

Tuy nhiên, việc đánh giá về di sản đối ngoại của Tổng thống Trump không thể phân định rạch ròi như đen và trắng, đúng và sai. Thực tế là di sản đối ngoại của ông Trump cũng phức tạp như chính con người ông. Có những khía cạnh gây tranh cãi nhưng cũng có những khía cạnh nên được nhìn nhận một cách xác đáng. Dù vậy, trên hết, theo nhà quan sát Daniel DePetris nhận định trên Indepedent, dường như luôn có sự không tương thích giữa những mục tiêu mà ông Trump muốn đạt được với các chính sách mà ông lựa chọn thực hiện.

Lấy châu Âu làm minh chứng, khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông tin rằng EU vốn đã đối đầu với những lợi ích kinh tế của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng những quốc gia châu Âu trong NATO, những nước thuộc một trong những khu vực giàu có và yên bình nhất thế giới, đang thỏa mãn với việc để Mỹ làm các nhiệm vụ an ninh mà bản thân các chính phủ châu Âu lẽ ra nên hành động.

Tổng thống Trump cũng đặc biệt cứng rắn với Đức khi lập luận nước này mua khí tự nhiên từ Nga nhưng lại dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ để đối phó với động thái từ Moscow được Berlin cho là hung hăng. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump đã khiến đồng minh châu Âu truyền thống ngày càng xa cách với Mỹ nhưng cũng chính sự cứng rắn này của ông đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ gia tăng ngân sách quốc phòng cho NATO.

Đối với Israel, chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đã bị chỉ trích khi các biện pháp này đem lại lợi ích cho Israel nhiều hơn Palestine, chẳng hạn như việc rời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem. Tuy nhiên, ông Trump cũng đi vào lịch sử khi góp phần tạo nên những thỏa thuận hòa bình giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước thuộc thế giới Arab sau nhiều năm đối đầu.

"Chúng ta có thể đặt câu hỏi về động cơ của Tổng thống Trump. Những rõ ràng, những thỏa thuận trên có thể là khởi đầu cho điều gì đó tốt đẹp với Trung Đông", ông Shira Efron, một cố vấn chính sách cho Diễn đàn Chính sách Israel tại Tel Aviv đánh giá.

Nhiệm kỳ đầy “sóng gió” nhưng không có chiến tranh

Mặc dù lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc đã dẫn đến cuộc chiến thương mại và hàng loạt căng thẳng giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực nhưng một số nhà quan sát cho rằng những động thái trên là cần thiết và có những đóng góp của ông Trump nên được ghi nhận nhiều hơn.

"Ở một số lĩnh vực nhất định, tôi nghĩ rằng lập trường của ông ấy đã đúng", Lewis Lukens, người đã dành 3 thập niên để nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ, đồng thời là đại sứ và quyền đại sứ ở một số quốc gia, nhận định.

"Cứng rắn với Trung Quốc và cố gắng gắng đối phó thực sự với những hành động thương mại cũng như sự mở rộng về quân sự tại Biển Đông của nước này là những việc cần phải làm", ông Lukens đánh giá, đồng thời bày tỏ rằng Trung Quốc gây khó dễ cho các công ty Mỹ trong một số lĩnh vực cạnh tranh.

Michele Flournoy, người từng là ứng viên sáng giá cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền ông Biden cũng tán thành với Tổng thống Trump khi thay đổi cách hành xử với Trung Quốc và thừa nhận Bắc Kinh là một mối đe dọa về mọi mặt, từ an ninh mạng cho tới sự hung hăng của nước này với các quốc gia láng giềng châu Á.

Ngay cả lưỡng đảng Mỹ cũng nhất trí rằng Trung Quốc là một mối đe dọa với kinh tế và an ninh của nước này. Do đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden có lẽ sẽ tiếp tục kế thừa một số chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Trump, thậm chí cả khi có thể ông sẽ dịu giọng hơn với Bắc Kinh.

Bất chấp việc cứng rắn với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên, một sự thật không thể phủ nhận là Tổng thống Trump không kéo nước Mỹ vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Tổng thống Trump từng không ít lần cân nhắc đến giải pháp quân sự hoặc một cuộc chiến quy mô lớn nhằm vào Iran nhưng cuối cùng, những tính toán nguy hiểm có thể dẫn đến chiến tranh nóng đều được kìm lại.

Đối với vấn đề Triều Tiên cũng vậy. Tổng thống Trump đã tham dự 3 cuộc họp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, thậm chí còn là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên quốc gia này. Mặc dù những vấn đề thực chất giữa 2 nước liên quan đến việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và giảm nhẹ trừng phạt vẫn chưa được giải quyết nhưng nguy cơ chiến tranh đã tạm lắng.

Sẽ có vô số những cuốn sách và bài báo để đánh giá về những di sản trong nhiệm kỳ 4 năm qua của Tổng thống Trump ở Nhà Trắng. Theo nhà quan sát Daniel DePetris, ít nhất là ở khía cạnh chính sách đối ngoại, dường như ông Trump giỏi phát hiện các vấn đề hơn là giải quyết chúng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại