2020 là một năm nhiều thách thức khi dịch bệnh và thiên liên tiếp đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, ông cha ta có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Chính trong những giờ phút khó khăn ấy, tinh thần "con Rồng cháu Tiên" một lần nữa lại được phát huy để chứng tỏ một điều: Con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng lại có thể làm nên những điều lớn lao hết sức phi thường!
Có lẽ, chưa bao giờ trong lịch sử nhân viên y tế lại phải đối mặt với một đại dịch khủng khiếp và dai dẳng như Covid-19. Khó khăn dường như có lúc khiến họ kiệt quệ về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Thế nhưng, "cứu người như cứu hỏa"; điều đó chẳng thể ngăn cản những con người này hoàn thành trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu, hàng loạt các y bác sĩ đã về hưu lại tình nguyện quay lại bệnh viện, sẵn sàng đương đầu với Covid-19. Đối với những người này, còn khỏe mạnh là còn cống hiến. Chỉ cần đất nước gọi, họ sẽ sẵn sàng trả lời.
Trong trận chiến với Covid-19, mỗi bác sĩ, mỗi y tá đều trở thành những chiến binh quả cảm. Họ chẳng than thở một lời khi phải mặc đồ bảo hộ kín mít giữa mùa hè nóng nực. Họ dám cắt phăng mái tóc dài quý báu để đảm bảo an toàn cho công việc. Có người còn giấu gia đình đi tình nguyện chống dịch, có người nén lo lắng vì con ốm để lên đường nhận nhiệm vụ.
Họ chính là những anh hùng giữa đời thực.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc sống mưu sinh của người dân thêm bội phần khó khăn. Nhiều người bỗng dưng lâm vào cảnh trắng tay, thất nghiệp, đến nỗi một miếng ăn cũng không có, một chỗ ngủ cũng không còn.
Tuy nhiên, gian khó lại là lúc mà con người gần nhau hơn, chia sẻ cho nhiều hơn. Mỗi người một cách làm, nhưng tất cả đều vì mục đích cùng nhau vượt qua dịch bệnh, bởi "Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau".
Chiếc máy "ATM gạo" lầu tiên xuất hiện tại TP. HCM, mỗi lần sẽ nhả ra một túi gạo 1,5 kg giúp hoàn toàn miễn phí. Nhờ vậy, những người lao động nghèo có được bữa cơm no bụng trong lúc khốn khó, chờ đợi dịch bệnh qua đi. Nhờ ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mô hình này còn lan ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước, trở thành một câu chuyện đẹp về sự tử tế, về tinh thần "cho và nhận" giữa người với người.
Còn có những "siêu thị hạnh phúc" với giá 0 đồng - nơi người đến mua lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo, sách vở cầm hóa đơn ra về mà không phải trả tiền. Còn có những "cái thùng tốt bụng" làm từ mọi chất liệu - nơi người có lòng tùy ý bỏ vào ít lương thực nhà có sẵn hoặc mua thêm cho những người khó khăn.
"Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác".
Với quyết tâm không bỏ lại ai nơi đất khách, Việt Nam đã liên tục mở các chuyến bay giải cứu đồng bào trở về quê hương một cách an toàn. Bằng tất cả sự biết ơn từ đáy lòng mình, tất cả những người sống tại khu cách ly - kiều bào, du học sinh, người lao động xa nhà - đều cố gắng góp chút sức mình để giảm áp lực cho các cán bộ, nhân viên chống dịch.
Để 14 ngày cách ly trôi đi có ích hơn, một nữ du học sinh 20 tuổi đã quyết định dạy Tiếng Anh trực tuyến miễn phí cho cho các em nhỏ từ lớp 1 đến 12. Một cô gái khác lại chọn cách mở lớp dạy yoga cho các thành viên khác trong khu cách ly để nâng cao sức khỏe.
Kể cả khi đã được trở về nhà, một số người còn quay lại đóng góp tiền bạc và vật chất hỗ trợ cho cơ sở cách ly. Có thể vài chục triệu đồng, mấy chục chiếc quạt máy, ấm nước, nước rửa tay ấy chẳng đáng là bao, nhưng đó là lời cảm ơn đặc biệt mà họ dành cho những người đã chăm sóc mình không quản khó khăn.
Hưởng ứng lời kêu gọi "Ở nhà là yêu nước" của Chính phủ, giới trẻ đã sáng tạo ra những tuyên ngôn thú vị giúp lan tỏa thông điệp tới cộng động.
Mở đầu là trào lưu "Tên hay dịch bay" của một chàng trai 25 tuổi người Hà Nội. Bằng tính vần điệu vui nhộn, trào lưu này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Mọi người, không phân biệt già trẻ gái trai, ai cũng hào hứng chụp ảnh đeo khẩu trang kèm theo những lời nhắn tích cực như "Tôi là Trang - Ở nhà không đi lang thang", "Tôi là Dương. Xin hứa không ra ngoài đường". Thậm chí, chó hay mèo cũng được chủ của mình "lôi kéo" vào trào lưu này.
Các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch cũng hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà, nhưng theo một cách rất khác. Trong trang phục áo blouse trắng, các bác sĩ và y tá vừa đeo khẩu trang, vừa giơ tờ giấy có in khẩu hiệu: "Chúng tôi phải ĐI LÀM vì bạn/Xin bạn Ở NHÀ vì CHÚNG TÔI".
Vào cuối tháng 7, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số khu vực lân cận sau 3 tháng không có có ca nhiễm mới. Cuộc sống của hơn 1 triệu người dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố bị ảnh hưởng khi lệnh cách ly xã hội một lần nữa lại được áp dụng.
Để cổ vũ tinh thần người dân Đà Nẵng, đồng bào trên mọi miền Tổ quốc đã cùng nhau gửi gắm những lời chúc tốt đẹp thông qua hashtag #StayStrongDaNang hoặc #CoLenDaNang. Ai cũng hứa hẹn hẹn sẽ chờ ngày "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" trở lại bình thường.
Dịch Covid-19 kéo dài suốt một năm qua đã để lại những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến đời sống của người dân Việt Nam. Nhiều lao động bỗng chốc rơi vào cảnh thất nghiệp, người còn việc thì cũng chật vật xoay xở với đồng lương còm cõi. Thế nhưng, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra, con người vẫn cần phải chi tiêu.
Thấu hiểu điều này, thầy Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội)- tuyên bố vẫn trả 100% lương cho giáo viên dù trường đóng cửa từ tháng 2. Ông thậm chí còn không thu học phí trong 3 tháng của học sinh, vì biết rằng ở ngoài kia phụ huynh cũng đang bận bịu trang trải cuộc sống.
Không chỉ ngành giáo dục chịu thiệt hại nặng nề, ngay cả vườn thú như Thảo Cầm Viên (TP. HCM) cũng gặp không ít khó khăn. Dù đóng cửa nhưng mỗi tháng, vườn thú vẫn phải chi 5-6 tỷ đồng tiền thức cho thú, tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc cây xanh…Với quyết tâm không để động vật phải thiếu ăn, 270 cán bộ của Thảo Cầm Viên đã tình nguyện giảm 30% lương để duy trì chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho các loài thú tại đây.
Dịch Covid-19 vừa hạ nhiệt chưa được bao lâu, người dân miền Trung lại tất tả gồng mình lên chạy lũ. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, hoa màu hư hại, nhiều gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Xót xa trước cảnh đồng bào "oằn mình" trong thiên tai, một lần nữa tinh thần dân tộc "lá lành đùm lá rách" lại trỗi dậy. Không phân biệt giàu nghèo, ai cũng cũng muốn chung tay chia sẻ từ miếng cơm, gói mì cho đến chai nước, cái áo, giúp người vùng lũ vượt qua cơn hoạn nạn.
Từ các doanh nhân hỗ trợ cả tỷ đồng cho đến những nhân viên đóng góp một ngày lương, từ cô ca sĩ xắn quần lội lũ đi cứu trợ cho đến cụ già cõng đồ đi quyên góp trên lưng, mỗi người đều trở thành một nhà hảo tâm.
Có người con xứ Nghệ tự bỏ tiền mua 5.000 thùng mì, lái xe ròng rã 5 ngày qua 3 tỉnh miền Trung để hỗ trợ những nhà bị ngập nước. Có "biệt đội canoe 0 đồng" được thành lập ngay khi nước mới dâng, vượt mưa gió lao đến các vùng bị cô lập để kịp thời giải cứu người dân, đưa họ đi bệnh viện nếu cần. Có những thôn xóm đồng bằng bắc nồi luộc bánh chưng, làm cơm thâu đêm để các gia đình vùng lũ không bị đói.
Thảm họa rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ luôn còn mãi.
Chiến tranh đã rời xa, nhưng các chiến sĩ bộ đội vẫn ngày ngày phải đối mặt với biết bao hiểm nguy trước đối thủ là dịch bệnh và thiên tai. Họ không ngần ngại hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt các trường học, doanh trại quân đội trên khắp cả nước đã được điều động làm cơ sở cách ly tập trung cho người trở về từ nước ngoài. Ban ngày, họ hướng dẫn thủ tục, làm cầu nối giữa người bị cách ly và gia đình. Ban đêm, họ nhường lại phòng của mình cho đồng bào, nghỉ ngơi tạm bợ ở nơi khác để có sức tiếp tục chống dịch trong những ngày tiếp theo.
Khi bão lũ ập tới, các chiến sĩ bộ đội là những người đầu tiên xông pha tới vùng bị cô lập, nhanh chóng đưa bà con đến nơi an toàn. Trong quá trình cứu nạn, đã có lúc họ phải trả giá bằng cả mạng sống. Những người lính ấy dù có ngã xuống, cũng quyết tâm phải bảo vệ bằng được người dân.
Đối với một số người, chết không phải là hết. Trước khi ra đi mãi mãi, họ vẫn kịp "hồi sinh" nhiều mạng sống khác bằng cách hiến bộ phận trên cơ thể mình. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân văn, đòi hỏi lòng can đảm của cả người hiến lẫn thân nhân của họ.
Dù còn nhiều rào cản, những kỳ tích hiến tạng vẫn liên tiếp xuất hiện trong y học Việt Nam năm vừa qua. Tháng 9/2020, Bệnh viện Quân đội 108 đã lập 12 bàn mổ lấy và ghép tạng cho 6 bệnh nhân, từ một thanh niên chết não. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ ghép thành công đồng thời hai cẳng tay cho bệnh nhân 18 tuổi bị cụt chi do tai nạn chất nổ.
Một người đàn ông 30 tuổi khác không may qua đời vì tai nạn giao thông cũng làm nên "điều kỳ diệu" khi cùng lúc hiến tạng cứu 4 bệnh nhân nặng ở 3 miền. Cố nén đau thương trước mất mát, mẹ bệnh nhân và gia đình đã xin hiến tạng con trai với mong muốn anh tiếp tục được "sống".
Cảm ơn vì đã đem lại niềm hy vọng sống đến với nhiều người!
Dịch Covid-19 khiến các chuyến bay quốc tế hoàn toàn tê liệt, buộc các tín đồ du lịch phải ngậm ngùi nói không với du lịch nước ngoài trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đây là cơ hội hiếm có để chúng ta dành trọn vẹn thời gian khám phá các địa danh du lịch ở đất nước mình.
Từ những thửa ruộng bậc thang vàng rực mùa lúa chín ở Tây Bắc đến bãi biển trong xanh lấp lánh nơi Phú Quốc, từ khung cảnh cố đô cổ kính ở Ninh Bình đến những cung đường lãng mạn nơi Đà Lạt, du khách được chứng kiến một thấy một Việt Nam mới mẻ hơn và đầy ắp sức sống sau dịch bệnh.
Chưa bao giờ trong các hội nhóm du lịch trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều bài review chất lượng với tần suất dày đặc như vậy. Họ hiểu rằng du lịch nội địa không chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi, mà còn là cách hữu hiệu nhất để đóng góp phục hồi đất nước.
Sau một thời gian dài "Ở nhà là yêu nước", người dân Việt Nam lại cùng nhau hô vang khẩu hiệu "Yêu Việt Nam, đi khắp Việt Nam".