Thông điệp về việc các thành phần chính của các tàu mặt nước của Hạm đội Biển Đen của Nga đã rời căn cứ hải quân chính ở Sevastopol và được phân bổ đến các địa điểm mới ở Novorossiysk, Feodosia và Abkhazia đã gây ấn tượng khá buồn đối với nhiều người Nga.
Việc Hạm đội Biển Đen phải di chuyển tàu để tránh sự tấn công của Ukraine là một quyết định bắt buộc, nhưng nó đúng trong bối cảnh hiện nay và thật không may, đến lượt Hạm đội Baltic Nga cũng có thể sẽ phải di chuyển lực lượng để tránh các đòn tấn công trong tương lai.
Lời tạm biệt biển Baltic?
Cách đây vài ngày, trên trang web “Red Star” có bài viết mang tựa đề “On Grey Ladoga”, kể về một năm vừa qua khá nhiều biến động đối với thủy thủ đoàn của các tàu tên lửa nhỏ Sovetsk và Odintsovo của Hạm đội Baltic, những người phải di chuyển đến một vùng nước mới.
Theo bài viết, cả hai chiếc tàu tên lửa Project 22800, lớp Karakurt có lượng giãn nước hơn 800 tấn mang số hiệu 252 (Sovetsk) và 253 (Odintsovo) đều thực hiện một hành trình đầy bất ngờ từ biển Baltic đến Hồ Ladoga, hồ nước ngọt lớn thứ hai ở Nga sau Hồ Baikal.
Đặc biệt là những chiếc chiến hạm trên biển này di chuyển rất chậm trên tuyến đường thủy đầy lạ lẫm của sông Neva mà không cần tàu kéo, dường như chúng đang thăm dò luồng lạch để chuẩn bị cho một hành động lớn hơn; đồng thời, cũng là “những con én đầu tiên” thử nghiệm hoạt động ở vùng nước mới.
Từ những điều trên, giới phân tích nhận định rằng, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga muốn kiểm tra xem những tàu lớn như Karakurt sẽ hoạt động như thế nào khi di chuyển qua tuyến đường thủy nội địa và chúng sẽ hoạt động như thế nào trên Hồ nước ngọt Ladoga, có độ sâu hơn cả Biển Baltic.
Hồ Ladoga, hồ lớn thứ hai của Nga nằm sâu trong lục địa ở Saint-Peterburg
Được biết, độ sâu trung bình ở biển Baltic là 60 mét, nhưng ở hồ Ladoga nó có thể đạt tới 300 mét! Đây là độ sâu lí tưởng cho các tàu chiến hoạt động.
Giới chuyên gia Nga nhận định rằng, rõ ràng là Bộ Chỉ huy Hạm đội Baltic đã quyết định nghiêm túc bắt đầu tái triển khai các tàu mặt nước từ căn cứ của Hạm đội ở Kaliningrad vào những địa điểm an toàn hơn, không chờ đợi những vấn đề như ở Biển Đen.
Đây rõ ràng là một quyết định đúng đắn và đầy nhạy bén bởi một khi có chiến sự xảy ra, ít nhất là hạm đội này vẫn bảo tồn được số lượng lớn các tàu tên lửa cỡ vừa và cỡ nhỏ, cùng với một vài tàu ngầm diesel-điện của mình qua đòn tấn công phủ đầu, để ra đòn phản công chết chóc vào đối thủ.
Theo đó, ngoài việc kiểm tra các luồng lạch di chuyển từ biển vào sông, Hạm đội Baltic cần phải đánh giá khả năng cung cấp của căn cứ hải quân Leningrad, bao gồm hỗ trợ nhiên liệu, điện, hậu cần, thông tin liên lạc sóng ngắn và vệ tinh. Ngoài ra, cũng cần kiểm tra cấu trúc thân tàu sẽ như thế nào trong nước ngọt.
Chiến hạm Nga ở Baltic dễ bị tổn thương
Sau sự tan rã của Liên bang Xô viết và sự gia nhập của ba nước vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia vào khối NATO, nhiệm vụ chính của Hạm đội Baltic là ngăn chặn Liên minh Bắc Đại Tây Dương và hỗ trợ nhóm tiến công của Nga ở vùng Kaliningrad.
Vùng đất xa xôi Kaliningrad, nằm giữa Ba Lan và Litva, cực kỳ dễ bị phong tỏa bằng cách khai thác các lối ra từ các cảng của nó và từ Vịnh Phần Lan, trong khi các tàu mặt nước của hạm đội Baltic, có trụ sở tại Baltiysk, là mục tiêu dễ dàng ngay cả đối với pháo binh cỡ lớn từ lãnh thổ Ba Lan.
Mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn đối với các tàu của hạm đội Baltic là hai mũi nhọn tấn công bằng hệ thống tên lửa bờ đối hạm cơ động NSM CDS (Naval Strike Missile, Hệ thống tên lửa tấn công hải quân) mà Ba Lan đang sở hữu và Latvia cũng dự định mua một số hệ thống khác.
Điều này có nghĩa là, trong trường hợp bùng phát xung đột với khối NATO, lực lượng tàu mặt nước của Hạm đội Baltic sẽ dễ dàng bị xóa sổ ngay cả khi chúng còn đang neo đậu trong cảng.
Điều tồi tệ hơn nữa là các chiến hạm này không chỉ bị tấn công bởi tên lửa chống hạm, mà còn bị tấn công bởi các nhóm đặc nhiệm ẩn náu trong các con tàu dân sự, phóng lên các máy bay không người lái cảm tử (kamikaze) điều khiển từ xa “Marichka”, có tầm bay 1.000 km và mang đầu đạn nặng 200 kg.
Trước đây, những chiếc máy bay không người lái cảm tử đầu tiên thực hiện vụ tấn công không thành công vào căn cứ không quân của Lực lượng Dù ở Pskov đã xác định là được phóng đi từ vùng Baltic.
Nên chuẩn bị đề phòng trước những cú đánh bất ngờ, chứ không phải là chờ nó xảy ra rồi mới chống. Do đó, việc Hạm đội Baltic chuyển tất cả tàu mặt nước từ Baltic sang hồ Ladoga - một hậu phương an toàn - dường như là một quyết định đúng đắn và kịp thời.
Một số cơ sở hạ tầng ven biển trên Ladoga đã được bảo tồn từ thời Xô Viết. Từ đó, các tàu hộ tống cỡ nhỏ như Buyan-M và Karakurt vẫn có thể tạo ra mối đe dọa với đối thủ bằng tên lửa hành trình Kalibr của chúng và đồng thời cũng là lực lượng bảo vệ các tàu lớn hơn không thể di chuyển vào hồ.