“Con giáp thứ 13”, “tiểu tam”, “rẻ tiền”, “hồ li tinh”, “không thể chấp nhận”, “không thể tha thứ”, “dại dột”, “mù quáng”… đó là những gì chúng ta nhận được khi tìm kiếm từ khóa “người thứ ba”. Điều đó gián tiếp chứng tỏ cái nhìn gay gắt và đầy định kiến mà xã hội dành cho những người chen ngang này.
Từ trước đến nay, người thứ ba luôn phải hứng chịu rất nhiều gạch đá của dư luận.
Thế mà bỗng nhiên, trên Facebook xuất hiện hội nhóm “Góc khuất người thứ ba” – một chốn để người thứ ba giãi bày nỗi lòng, chia sẻ tâm tư. Không khó để bắt gặp trong hội nhóm những chia sẻ như:
“Nhìn anh ấy đăng ảnh với vợ con, tôi buồn lắm”, “Với tôi, cái gì cũng không được: không nhắn tin, không gọi điện, không hỏi han…”, “Tôi hoàn toàn không muốn phá hoại hạnh phúc gia đình anh, tôi chỉ cần được ở bên anh”...
Những group về Góc khuất người thứ 3 mọc lên khắp nơi trên Facebook với những tâm sự trần trụi.
Ngay lập tức, “Góc khuất người thứ ba” nhận được sự quan tâm và những tranh luận không hồi kết của các chị em. Người thì cho rằng “người thứ ba” thực ra đáng thương hơn đáng trách, người thì cho rằng “người thứ ba” dù sao cũng không có quyền lên tiếng. Người chấp nhận, kẻ phản đối đến cùng.
Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn để lắng nghe xem mọi người nghĩ gì về “người thứ ba” nói chung và hội nhóm “Góc khuất người thứ ba” nói riêng?
Chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn xoay quanh câu chuyện "Góc khuất người thứ 3".
Cùng nhận được câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về người thứ ba?”, chị T. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng: “Trên phương diện một người có gia đình, chị sẽ không chấp nhận!”. Trong khi đó, bạn P. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đưa ra quan điểm “ còn tùy vào hoàn cảnh”, K. (Xã Đàn, Hà Nội) thậm chí còn bày tỏ sự đồng cảm khi cũng từng là người thứ ba.
Đa phần phụ nữ có gia đình đều bày tỏ sự phẫn nộ khi nhắc tới cụm từ "người thứ ba".
Tuy nhiên ai đã từng là người thứ 3 thì lại rất thông cảm với những "góc khuất".
Sau đó, mọi người được đọc một đoạn tâm sự điển hình trong Hội nhóm “Góc khuất người thứ ba” mà chúng tôi chủ ý cắt bớt phần kết đi. Ban đầu, đa số đều rất phẫn nộ với cách cô gái trong câu chuyện tạo ra tình huống nhắn tin cho vợ nhân tình, để vợ nhân tình đến khách sạn chứng kiến chồng ngoại tình, dẫn đến gia đình đỗ vỡ.
Tuy nhiên, khi đọc tiếp phần kết, biết cô gái đã rút lui, chấp nhận đứng trong bóng tối khi chứng kiến người mình yêu hạnh phúc, mọi người phần nào cảm thông và ủng hộ hơn.
Đúng là "Nghĩ cũng tội, mà thôi cũng kệ!"...
Chị L. (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Cô gái cũng đáng thương đấy, nhưng mà… nên thế!”. Mọi người cũng đồng tình với quan điểm: “Không phải câu chuyện nào của người thứ ba cũng xấu”.
Người thứ ba có thật sự luôn xấu xa và đáng ghét?
Suy cho cùng, dù còn nhiều ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận rằng sự tồn tại của Hội nhóm “Góc khuất người thứ ba” đã đem đến cho chúng ta một cơ hội để lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện “chọn con tim hay là nghe lý trí”.
Lần đầu tiên, “người thứ ba” – những người xưa nay chỉ dám đứng trong bóng tối và bị xem như kẻ tội đồ được lên tiếng về mình, chấp nhận nói ra sự thật trần trụi.
Nhiều chị em lên tiếng phản đối đòi bỏ Hội nhóm "Góc khuất người thứ ba".
Nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng nên giữ lại những hội nhóm như vậy.
Vậy thì rốt cục “người thứ ba” đáng thương, hay là đáng trách? “Góc khuất người thứ ba” nên tồn tại hay là không? Hãy lên tiếng và chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn.