Nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng

Huyền Thanh |

Thực hiện quyền tự chủ, nhiều trường đại học (ĐH), đặc biệt là các trường top đầu đã công bố phương án tuyển sinh theo kỳ thi riêng trong năm 2021 bên cạnh việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Việc đa dạng các phương thức xét tuyển, giảm dần phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT  không chỉ giúp trường ĐH đảm bảo nguồn tuyển phong phú hơn mà còn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2016. Ảnh minh họa

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực trên máy tính do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2016. Ảnh minh họa

Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển theo kết quả của kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức. Nhà trường sẽ dành khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển này.

Theo đó, ngoài việc đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán có phần tự luận như năm 2020, trường sẽ bổ sung thêm tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên. Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Dự kiến, trong tháng 1-2021, nhà trường sẽ công bố chi tiết cấu trúc đề thi riêng; chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành, phương thức; các ngành học mới mở…

Mỗi phương thức xét tuyển đều có điều kiện đăng ký riêng và chỉ tiêu phân bổ hợp lý. Đây là năm thứ 2, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh bằng kỳ thi riêng. Tuy nhiên, khác với năm 2020, trường dự định sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi riêng để xét tuyển độc lập với kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Việt Đức cũng dự kiến dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức vào khoảng tháng 5-2021.

Bài thi gồm 2 phần là kiểm tra kiến thức cơ bản và kiến thức khối chuyên ngành đăng ký gồm: Bài thi Khoa học Kỹ thuật dành cho thí sinh đăng kí ngành Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin; Bài thi Khoa học máy tính và Khoa học Tự nhiên dành cho thí sinh đăng kí ngành Khoa học máy tính; Bài thi Kinh tế học dành cho thí sinh đăng kí ngành Tài chính - Kế toán và Quản trị kinh doanh và bài kiểm tra tiếng Anh trên máy tính.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vào năm 2021 để tuyển sinh. Cũng như những kỳ thi ĐGNL của các năm 2015, 2016 trước đây, thí sinh sẽ hoàn thành bài thi trong một buổi thi của mỗi đợt thi.Kết quả thi được thông báo ngay sau khi thí sinh hoàn thành bài thi. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi cho thí sinh sau 3 tuần kể từ ngày dự thi.

Năm 2021, kỳ thi ĐGNL sẽ được tổ chức thi tại Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4-5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10, mỗi đợt khoảng 1.000-2.000 thí sinh. ĐH Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQG Hà Nội, đây là kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của ĐHQG Hà Nội có thể sử dụng kết quả của kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học độc lập với các phương thức xét tuyển hiện có. Với việc ĐHQG Hà Nội khởi động lại kỳ thi ĐGNL, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, sẽ có nhiều trường ĐH phía Bắc sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh như đã từng xảy ra trong năm 2015 và 2016.

Tại phía Nam, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh. Đây là kỳ thi ĐGNL có quy mô lớn nhất hiện nay. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức thi ĐGNL tại các đơn vị thành viên của ĐHQG TP Hồ Chí Minh tăng hơn đáng kể so với năm 2019.

Tùy theo ngành, nhóm ngành, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức ĐGNL nằm trong khoảng 30-50% tổng chỉ tiêu. Đặc biệt, kỳ thi ĐGNL năm 2020 đã thu hút gần 50 đơn vị, trường ĐH, CĐ sử dụng để xét tuyển.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Công tác tuyển sinh trong năm 2021 và cho đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, có thể tổ chức thi tuyển sinh theo nhóm trường theo hướng gọn nhẹ, thi trong một buổi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh.

Đặc biệt, đối với các trường tổ chức thi riêng hoặc yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập để thuận lợi cho thí sinh, hạn chế việc các em phải thi tại nhiều trường, nhiều lần, gây tốn kém, lãng phí.

Trong khâu xét tuyển, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỷ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại