Ảnh minh họa
Đường nào cũng bị … phàn nàn
Nhiều ngày qua, ông B.V (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã tạm ngưng công việc tổ trưởng. Việc vận động người dân tiêm vắc xin, điền đơn đi chợ hộ… đều do vợ ông gánh vác thay. Hơn 2 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ, khối lượng công việc của ông so với thời gian trước đã tăng lên gấp 2, 3 lần.
Công việc tổ trưởng như … làm dâu trăm họ. Đặc biệt, khi nhiều người dân gửi đơn xin nhận trợ cấp lên phường, một số người được duyệt nhưng vài người thì không được. Từ đó, họ chuyển sang trách tổ trưởng làm việc không hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi ông V. vận động mọi người chích vắc xin. Nhiều gia đình khi biết là vắc xin Vero Cell đã nói thẳng: "Vậy thì ông tự chích đi, kêu gọi làm gì".
Lực lượng quân đội phối hợp với tổ dân phố hỗ trợ người dân đi chợ
Vào những ngày giãn cách xã hội, tổ dân phố áp dụng hình thức đi chợ hộ. Người dân cũng phàn nàn tổ trưởng làm việc tắc trách.
Bởi lẽ, đơn hàng siêu thị được đưa theo combo, người dân lại chọn từng món lẻ, dẫn đến nhiều tình trạng đơn bị trả về. Nhiều ngày chờ đợi không mua được hàng, một số người dân trong khu vực đã gọi điện phản ánh, trách móc tổ trưởng. Trước những áp lực đó, ông V. đã tạm ngưng công việc.
Đa phần, các tổ trưởng tổ dân phố đều là người lớn tuổi, có bệnh nền. Dù đã được tiêm vắc xin nhưng việc đi lại, tiếp xúc với nhiều người dân trong khu vực cũng khá nguy hiểm. Theo chia sẻ của nhiều tổ trưởng, mức lương trợ cấp hàng tháng được nhận là hơn 500.000 đồng. Đây là con số không nhiều so với mức sống và khối lượng công việc mà họ phải gánh vác.
Cả nhà phải vào cuộc
Ông L.Đ.T (54 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã không đi làm từ tháng 6/2021 đến nay. Tuy nhiên, ông vẫn giải quyết nhiều việc liên quan đến tổ dân phố của mình nên bận rộn suốt ngày. Khi thì hỗ trợ công tác phòng chống dịch, đi chợ hộ, phát quà, lúc lại trực chốt.
Group Zalo tổ dân phố mà ông lập ra bao giờ cũng có hàng chục tin nhắn mỗi ngày. Điện thoại của ông lúc nào cũng phải mở 24/24. Nhà này hư bóng đèn, nhà kia cần đi chợ, nhà khác lại muốn hỏi về tình hình tiêm vắc xin…
Ảnh minh họa
Theo ông T., giai đoạn "căng" nhất là giai đoạn mới siết chặt giãn cách, áp dụng hình thức đi chợ hộ. Cả khu chỉ có một cửa hàng tiện lợi Vinmart, mỗi ngày cả trăm đơn hàng bị ùn ứ. Bà con 1 tuần mới được giao hàng 1 lần, có nhà bị "trôi đơn" 2 tuần mới nhận được hàng.
Trước nhiều áp lực đặt trên vai, ông T. phải cùng vợ tìm nguồn hàng trên Lâm Đồng để bà con mua. Từng gói bột chiên, chai nước mắm, mớ rau, bó thịt… được vận chuyển xuống TP.HCM.
Hằng ngày, khi hàng "cập bến", vợ ông phải ngồi lựa hàng, phân loại, kiểm kê số thực phẩm. Ông phải đi phân phát từng nhà, thu tiền và nghe ý kiến đóng góp của bà con. Phải có sự trợ giúp của cả nhà, ông mới "kham" xuể hàng tá công việc. Bởi vì ngoài ông T., không có người dân nào chịu làm tổ phó.
Rau củ người dân TP.HCM được phát trợ cấp
Vừa qua, ông T. đã vận động các hộ có điều kiện kinh tế được hơn 20 triệu đồng tiền mặt để mua thực phẩm gồm 300 kg gạo, 1.200 trứng gà, 400 kg trái cây các loại chia đều cho những người thuê nhà, các sinh viên đang bị mắc kẹt lại thành phố.
Chị Thủy Vy (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Ở tổ dân phố của tôi, người bị … chửi nhiều nhất là bác tổ trưởng. Từ các vấn đề như vắc xin, gói an sinh xã hội, người dân chỉ biết phàn nàn với tổ trưởng. Đứng ở góc độ người dân, tôi có thể thấu hiểu và đồng cảm được với những áp lực mà họ đang phải gánh. Trong giai đoạn này, ai cũng bối rối vì dịch bệnh là điều chưa từng có trong tiền lệ. Chúng ta cần thông cảm với nhau hơn".
Bà Đặng Bích Phượng (khu phố 2, phường 12, quận 8) đã có hơn 30 năm làm tổ trưởng. Bà nói: "Mình phải hiểu rằng bức xúc của mình, cũng chính là bức xúc của người dân. Nhiều nhà trong mùa dịch họ rất khó khăn, bị sót trợ cấp nên cũng rối ren lắm. Mỗi tháng, tổ trưởng phải đi họp để nắm thông tin, vận động người dân tiêm vắc xin. Nhà nào có F0 phải báo phường, cách ly y tế. Nếu không có gia đình ủng hộ, tôi nghĩ mình không thể làm công việc này trong thời gian dài đến như thế"...