Nhiều tỉnh cam kết đủ xăng dầu

NHÓM PV BAN TPHCM |

Sau khi có thông tin nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu bị rút giấy phép, người dân không khỏi lo lắng trước nguy cơ đứt nguồn cung gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương phía Nam cam kết không để thiếu hụt xăng dầu.

Nơi đóng cửa, nơi tấp nập

Tại Bình Dương, PV báo Tiền Phong ghi nhận những ngày qua có nhiều cây xăng đóng cửa, thông báo tạm ngưng phục vụ. Cụ thể, hệ thống cửa hàng xăng dầu Hồ Bửu đã tạm ngưng hoạt động hai cây xăng trên đường Lê Hồng Phong và Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một). Trên quốc lộ 13 (Đại lộ Bình Dương), hiện cây xăng tư nhân số 4 (phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An) và cây xăng T.H (thị xã Bến Cát) tạm ngưng phục vụ. Trên đường Nguyễn Chí Thanh (huyện Dầu Tiếng) có hai cây xăng H.H và T.B đóng cửa và treo biển thông báo tạm ngưng.

Trước thông tin Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) bị tước giấy phép, trưa ngày 6/9, PV báo Tiền Phong đã khảo sát nhiều cây xăng thuộc hệ thống này tại TPHCM nhưng tất cả vẫn hoạt động bình thường. Cửa hàng xăng dầu số 4 của Saigon Petro trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) tấp nập người đến đổ xăng lúc 13 giờ.

Nhân viên bán xăng tại đây cho biết, chưa nhận được thông báo nên cửa hàng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Tương tự, cửa hàng xăng dầu lớn thuộc chuỗi thương hiệu Saigon Petro tại giao lộ An Dương Vương - Nguyễn Văn Cừ (quận 5) cũng liên tục có khách ra vào.

Anh Huỳnh Ngọc Quí (ngụ phường Tân Quy, quận 7) chia sẻ, chưa rõ khi Saigon Petro bị rút giấy phép kinh doanh thì hoạt động của trạm xăng dầu gần nhà anh bị ảnh hưởng ra sao. “Nhưng ngoài trạm xăng dầu này thì cách đây hơn 2km vẫn còn có trạm xăng dầu của DN khác hoạt động, nên tôi cho rằng nếu họ có đóng cửa thì ảnh hưởng sẽ không nhiều”- anh Quí nói.

 Nhiều tỉnh cam kết đủ xăng dầu  - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng xăng dầu thuộc thương hiệu Saigon Petro tại TPHCM vẫn hoạt độngbình thường. ảnh: Hoàng Trang

Đồng Nai hiện có một thương nhân xuất nhập khẩu (XNK) và 8 thương nhân phân phối xăng dầu đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động. Các thương nhân XNK, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều đang nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng từ các nhà máy, thương nhân đầu mối… nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.

Cam kết đủ nguồn cung

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết, khi xảy ra biến động giá xăng dầu, đơn vị đã làm việc với các DN đầu mối cung cấp xăng dầu. Hiện tại, các DN đầu mối đã cam kết đảm bảo cung cấp cho hệ thống xăng dầu, cho các đại lý, cây xăng để bán cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số điểm bán hết xăng cục bộ do nguồn xăng dầu khan hiếm, việc nhập và vận chuyển xăng dầu về chậm. Từ đó một số cây xăng phải tạm ngưng bán để chờ xe bồn chở xăng về.

Chiều 5/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã làm việc với các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Bà Thắng đề nghị Sở Công Thương TPHCM yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu có phương án đảm bảo việc cung ứng, giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, Sở phối hợp với Cục QLTT Bình Dương kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra, tất cả cửa hàng đều hoạt động bình thường, không có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá.

“Xăng, dầu không thiếu, các cơ sở kinh doanh phải phục vụ người dân, DN. Nơi nào găm hàng sẽ xử lý nghiêm. Cơ sở kinh doanh nào làm sai sẽ phải đóng cửa. Nếu người dân biết điểm bán nào không phục vụ thì thông báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý” - bà Nguyễn Thanh Hà nói.

Ông Võ Thái, Phó Cục trưởng Cục QLTT Đồng Nai cho biết, tỉnh có trên 400 trạm kinh doanh xăng dầu. Qua kiểm tra, trên địa bàn có 24 trạm xăng tạm ngưng kinh doanh, trong đó có 12 trạm tạm ngưng để sửa chữa, 12 trạm hết dầu hoặc xăng. Xác định vi phạm, ngành chức năng đã lập biên bản xử lý 3 cửa hàng. “Ngành quản lý thực hiện quyết liệt, yêu cầu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đúng cam kết, không để thiếu hụt nguồn hàng. Tỷ lệ thiếu hụt xăng, dầu ở một vài cây xăng trên địa bàn tỉnh là rất thấp” - ông Võ Thái khẳng định.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 6/9, ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc Bộ Công Thương rút giấy phép hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không ảnh hưởng đến nguồn cung ở tỉnh. Hiện tại, đơn vị đang quản lý 312 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 253 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên bờ và 59 tàu dầu dưới biển. Qua kiểm tra cho thấy, chưa có tình trạng cố tình găm hàng hay cố tình từ chối bán hàng cho người dân.

Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện nay mỗi ngày thành phố tiêu thụ trung bình khoảng 6,8 triệu lít xăng dầu. Thành phố vẫn đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Từ đầu năm 2022, Sở Công Thương TPHCM đã có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu, thanh tra các DN đầu mối và các đơn vị phân phối.

“Hiện nay, các DN, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chịu nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên với địa bàn tiêu thụ rộng lớn, TPHCM không thể để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu.” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại