Ông Nguyễn Xuân Gụ là Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông đầu tiên ở VFF phải từ chức vì scandal đời tư.
Theo thông cáo của VFF, ngày 24/5, phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC45) phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành Quận 1 đã kiểm tra hành chính lưu trú một khách sạn trên địa bàn Quận 1 TP.HCM. Tại một trong những phòng của khách sạn phát hiện người khai tên là Nguyễn Xuân Gụ, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở chung 1 cô gái có tên là N.N.N.T (24 tuổi) không khai báo tạm trú. Ông Nguyễn Xuân Gụ tự khai là đã từng có quan hệ với N.N.N.T.
Trong đơn xin từ chức của mình, ông Gụ cũng trình bày, lý do dẫn đến quyết định từ chức của ông xuất phát từ sự việc nêu trên.
Theo đánh giá của VFF, dù sự việc xảy ra trong thời gian ông Gụ không được cử đi công tác song vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh và uy tín của VFF.
Ông Nguyễn Xuân Gụ vừa nộp đơn xin từ chức Phó Chủ tịch VFF.
Trước ông Gụ, các quan chức VFF “ngã ngựa” phần lớn vì những vấn đề chuyên môn.
Ông Phạm Ngọc Viễn năm 2005 phải từ chức Tổng thư ký VFF vì sức ép dư luận sau nhiều bê bối. Ông Viễn mắc một số sai lầm như có trách nhiệm trong vụ bê bối ở Cúp Ba châu lục (nhiệm kỳ III), làm ngơ khi để AFC sắp xếp giám sát, trọng tài thiếu công bằng ở SEA Games 22, sai lầm trong việc chọn HLV Tavares. Và đặc biệt, sự cố VFF thua kiện, phải bồi thường cho cựu HLV đội U22 Việt Nam C. Letard 200.300 USD.
Sau ông Viễn, người tiếp theo phải từ chức vì sức ép truyền thông là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Lê Thế Thọ. Thời điểm cuối 2005, truyền thông và dư luận cho rằng, ông Thọ có lỗi trong vụ một số cầu thủ U23 bán độ tại SEA Games 23, vì ông Thọ là Phó đoàn thể thao Việt Nam phụ trách khu vực Bacolod (nơi tổ chức các môn bóng đá nam, boxing, bóng chuyền) đã không có động thái kịp thời để góp phần ngăn chặn và thông báo với HLV trưởng Riedl.
Năm 2008, hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên vụ bạo loạn kinh hoàng giữa nhóm CĐV Hải Phòng và CĐV Nghệ An tại sân Vinh. Cuộc hỗn chiến bằng gạch đá, chai lọ... đã khiến CĐV Hải Phòng bị dồn vào một góc sân Vinh.
Dù lực lượng cảnh sát được huy động khá đông nhưng không thể ngăn nổi bạo lực bùng phát. Hậu quả, hàng chục CĐV của hai đội bị thương và có người phải nhập viện. Đỉnh điểm nhất là trên đường thoát khỏi thành phố Vinh, xe của CĐV Hải Phòng đã cán chết 1 người dân Nghệ An.
Sau sự cố này, Trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi buộc phải xin từ chức, còn các CĐV Hải Phòng và Nghệ An giữ “mối thù” trong mỗi lần đụng độ trên cả sân nhà và sân khách thêm nhiều năm nữa. Đáng chú ý, năm 2009, khi trở lại sân Vinh, CĐV Hải Phòng lại gây ra những lộn xộn tại Diễn Châu, Nghệ An.
Năm 2011, ông Dương Nghiệp Khôi một lần nữa phải rời ghế Trưởng BTC giải V-League sau bài phát biểu gây shock của bầu Kiên nhắm vào những yếu kém của bóng đá Việt mà cụ thể là cách điều hành của BTC V-League 2011. Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lúc đó còn tuyên bố thẳng thừng: “Anh Khôi không làm được thì nghỉ”.
Cuối năm này, Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn cũng xin từ chức vì thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 26.
Ngay khi từ Indonesia trở về, ông Tuấn đã viết đơn xin từ chức nhưng bị BCH VFF phủ quyết. Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận, đặc biệt sau khi VFF sai thải HLV Falko Goetz và ông Tuấn có thêm những lùm xùm “tin nhắn rác”, vị Tổng thư ký trẻ nhất lịch sử VFF buộc phải “rũ áo ra đi”.
Người gần nhất phải từ chức ở VFF là ông Trần Duy Ly. Vị Trưởng giải V-League 2013 từ nhiệm sau khi bị CLB Thanh Hóa tố cáo có những phát ngôn tiền hậu bất nhất. Ông Trần Duy Ly cũng bị Ban kỷ luật ra quyết định khiển trách vì tổ chức mổ băng phân tích tình huống đúng sai của trọng tài với báo chí. Ông Ly còn bị Ban tư vấn đạo đức cho rằng thiếu tôn trọng các thông tin tư vấn từ ban này và đề nghị ông từ chức.