Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc của Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN
Theo hãng tin Reuters (Anh), ngày 20/7, EU đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm kêu gọi các nước thành viên giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023, đồng thời cảnh báo nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa Đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt. Mặc dù, đề xuất này ưu tiên sự tự nguyện từ các nước, song không loại trừ khả năng EU buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện nếu Brussels nhận thấy nguy cơ thiếu khí đốt.
Phản ứng trước đề xuất trên, Bộ trưởng Năng lượng Bồ Đào Nha Joao Galamba nhấn mạnh Lisbon "hoàn toàn phản đối" kế hoạch của EU do "đề xuất này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia". Người đứng đầu Bộ Năng lượng Bồ Đào Nha cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm tiêu thụ khí bắt buộc trong bối cảnh sản lượng thủy điện ở bán đảo Iberia thấp có thể gây ra tình trạng cắt điện.
Cùng chung quan điểm, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp nhấn mạnh chính phủ nước này "về cơ bản không đồng tình với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên".
Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas cho biết nước này phản đối việc bắt buộc thực hiện kế hoạch trên cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố. Ông nêu rõ Hy Lạp đang thực hiện một số biện pháp hạn chế sử dụng khí đốt như yêu cầu công ty cung ứng điện PPC do nhà nước kiểm soát phải tăng gấp đôi sản lượng than non.
Bộ trưởng Skrekas cho biết thêm rằng Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Malta và Cyprus cũng phản đối kế hoạch của EU.
Trong khi đó, một số quan chức EU cho biết tại cuộc họp của các nhà ngoại giao thuộc khối này ngày 20/7, ít nhất 12 trong số 27 quốc gia thành viên đã nêu quan ngại về đề xuất nói trên, trong đó có Đan Mạch, Pháp, Ireland, Hà Lan, Ba Lan.
Một quan chức EU cho biết: "Các quốc gia thành viên muốn có khả năng tự kích hoạt các cơ chế khủng hoảng. Đây không phải là điều mà họ muốn trao cho EU".
Theo Reuters, EU đưa ra đề xuất trên trong bối cảnh mặc dù ngày 21/7 Nga đã nối lại hoạt động xuất khẩu khí đốt đến châu Âu qua Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sau 10 ngày tạm ngừng để bảo trì, nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu Moskva có đưa ra một quyết định khác dẫn tới một cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục này trong mùa Đông năm nay hay không.