Đó là cách mô tả của tờ Space về một tia lửa điên cuồng dạng móng vuốt mà Trái Đất vừa hứng chịu từ Mặt Trời vốn đang trong chu kỳ hoạt động dữ dội.
Khu vực khởi nguồn là một vết đen Mặt Trời khổng lồ hướng về Trái Đất, AR3213, hiện trải dài trên 62.000 dặm (100.000 km) bề mặt của Mặt Trời. Sự rối từ trường trong vết đen khiến khu vực này giải phóng các quả pháo sáng đầy năng lượng về phía Trái Đất. Một quả loại M6 (cỡ trung bình) vừa gây ra hiện tượng gián đoạn vô tuyến sóng ngắn nói trên.
Một "quả pháo vũ trụ" vừa được Mặt Trời bắn ra - Ảnh: NASA/SDO
Ngoài quả pháo sáng M6 trên Mặt Trời còn bắn thêm vài quả nữa từ vết đen này trong những ngày gần đây, nhưng các quả khác bắn ra lúc vết đen chưa quay hẳn về phía Trái Đất nên chúng ta tạm thời "thoát hiểm".
Mặt trời đang tiến tới cực đại trong chu kỳ 11 năm, sẽ đạt được vào năm 2025. Có rất nhiều bằng chứng về việc Mặt Trời bắn ra các quả pháo sáng, thậm chí một quả cầu lửa lớn gọi là "vụ phóng khối lượng đăng quang" (CME) mà Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) của NASA ghi nhận được.
Những quả pháo sáng cỡ trung hầu hết là vô hại, thỉnh thoảng gây ra gián đoạn vô tuyến sóng ngắn do bão địa từ (do chúng đập vào từ quyển của Trái Đất). Nhưng các quả mạnh hơn hay một quả cầu lửa lớn có thể gây ra gián đoạn vô tuyến diện rộng, rối loạn hệ thống định vị, "đánh gục" vệ tinh và cơ sở hạ tầng điện, thậm chí khiến chim di trú lạc đường.
Vào tháng 2-2022, một cơn bão địa từ khởi nguồn từ một cú tấn công ngoài vũ trụ loại mạnh đã khiến 40 vệ tinh của SpaceX rơi ngược về phía Trái Đất, khi vụ phóng vô tình diễn ra đúng lúc cơn bão năng lượng này ập xuống.