Nhiều người giàu cực nhanh sau khi vào Sài Gòn sinh sống

Đông Hải (thực hiện) |

TPHCM là một hệ sinh thái sống động có sức khuyến tạo đặc sắc. Tôi có nhiều người bạn đã gặt hái nhiều thành công sau khi chuyển vào sinh sống tại TPHCM.

LTS-Không thể phủ nhận, TP.HCM luôn có nhiều ưu thế thuận lợi hơn các địa phương khác trong cả nước. Song ngoài việc đứng đầu cả nước nộp ngân sách cho Trung ương thì TP.HCM gần như chưa thể hiện được các ưu thế vượt trội khác.

Để lý giải cho câu chuyện này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGSTS Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore. Ông Khương đặc biệt nhấn mạnh tới một số điểm yếu về nền móng xã hội mà TPHCM cần sớm khắc phục vì chúng đặc biệt quan trọng cho nỗ lực xây dựng thành phố thông minh.

Khi nhìn lại hành trình 30 năm Đổi Mới đất nước, không thể phủ nhận thành phố Hồ Chí Minh luôn dám tiên phong đi trước, đón đầu…. và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên đến lúc này, tôi có cảm giác như năng lượng đổi mới đó đã bắt đầu cần được tiếp thêm sinh lực.

Các tiêu chí xây dựng thành phố cũng cần được tính toán lại. Ví dụ, đã có những ý kiến cho rằng, cần phải xác định hướng đi cho TP. HCM trở thành thành phố thông minh. Ông có thể chia sẻ về câu chuyện này như thế nào?

Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) là một quá trình cải biến và phát triển toàn diện thành phố với mục tiêu chủ đạo là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua các nỗ lực kiến tạo làm tăng năng suất, hiệu quả, và tính bền vững của công cuộc phát triển thông qua nỗ lực cải biến dựa trên tư duy thời đại và tiến bộ công nghệ, với sự nắm bắt triệt để những cơ hội do cuộc cách mạng CNTT (còn gọi là cuộc “cách mạng số”) mang lại.

Nếu lựa chọn hướng đi trở thành TPTM thì theo ông, những chiến lược hành động nên điều chỉnh theo hướng nào?

Chiến lược và hành động xây dựng TPTM nên được triển khai đồng bộ trên năm lĩnh vực có tương tác chặt chẽ với nhau: Chính phủ thông minh, Nền Kinh tế thông minh, Con người thông minh, Hạ tầng cơ sở thông minh, và Môi trường thông minh.

Hồi đầu năm Bí thư Đinh La Thăng đã tuyên bố về việc xác lập hướng phát triển cho thành phố hướng tới vị trí số 1. Theo quan sát của ông, các nhà lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ này đã sẵn sàng cho hướng phát triển này như thế nào?

Nói về mức độ sẵn sàng cho công cuộc phát triển TPTM của một thành phố có tiềm năng và vị thế kinh tế lớn trong một quốc gia, người ta thường nhìn vào ba tiêu chí: sự thôi thúc; mức độ khai sáng; và năng lực hoạch định chiến lược và phối thuộc hành động.

Nhiều người giàu cực nhanh sau khi vào Sài Gòn sinh sống - Ảnh 2.

TS Vũ Minh Khương. Ảnh: VOV

Về tiêu chí thứ nhất (sự thôi thúc), tôi cho rằng TPHCM đã có mức độ sẵn sàng rất cao. Nó không chỉ vì khát khao mãnh liệt của nhân dân TP và lãnh đạo muốn lấy lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” đã mất của mình mà còn vì áp lực phát triển là vô cùng lớn.

Xây dựng TPTM là lựa chọn có thể nói là duy nhất để TP không rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu trong cạnh tranh quốc tế. Thiếu nỗ lực xây dựng TPTM, TPHCM sẽ khó giải quyết nhiều vấn đề nan giải làm suy giảm sức phát triển, từ kẹt xe đến ngập lụt, từ tham nhũng đến người dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, từ bất bình đẳng xã hội đến tội phạm, bạo lực.

Một ví dụ đơn giản là TPHCM mới chỉ với 500.000 xe ô tô như hiện nay (bằng 1/8 so với Băng cốc) mà tình trạng tắc nghẽn giao thông đã bắt đầu gay cấn. Tình trạng này có thể sẽ rất nghiêm trọng trong 10 năm tới vì TP đang bước vào ngưỡng thu nhập mà người dân chuyển mạnh từ xe máy sang ô tô với nhịp độ tăng lượng xe ô tô sẽ ở mức trên 10% trong thời gian tới.

Về tiêu chí thứ hai (mức độ khai sáng), TPHCM đang có những chuyển động tích cực trong nỗ lực học hỏi. Chủ trương của TP bắt tay vào xây dựng TPTM và 7 chương trình hành động mà lãnh đạo TP vừa thông qua là một minh chứng. Tôi tin rằng, TP sẽ đạt tới mức độ sẵn sàng cao trong tiêu chí này trong thời gian tới.

Về tiêu chí thứ ba (năng lực hoạch định chiến lược và phối thuộc hành động), tôi thấy TP còn chưa mạnh. Bộ máy quản lý còn hạn chế về điều kiện và năng lực công tác.

Thêm nữa, cách quản lý về nhiều mặt vẫn vận hành theo phương thức “tháo gỡ” khó khăn hơn là kiến tạo nền tảng cho phát triển lâu dài. Nhiều chủ trương hành động vẫn nặng về cảm tính và ý chí chủ quan hơn là dựa vào những phân tích thấu đáo ở tầm chiến lược.

Ngoài ra, trong tiêu chí này, TPHCM còn phụ thuộc vào các quyết sách lớn của Trung ương. Chẳng hạn, liệu có được không nếu TP xin tập trung toàn lực cho học sinh học tiếng Anh để trở thành cái nôi phát triển nguồn nhân lực cao cấp cho cả ĐNA, trong khi Bộ Giáo dục lại vừa có chủ trương phải dạy tiếng Nga và tiếng Trung?

Một ví dụ khác là mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất. Tại sao Singapore với diện tích bé nhỏ như vậy mà họ đang mở rộng sân bay Changi từ 66 triệu hiện nay lên 86 triệu năm 2017 và 135 triệu năm 2025, trong khi TPHCM với số lượng khách mới ở mức 25 triệu/năm mà đã coi như hết công suất và phải gấp rút xây dựng sân bay mới.

Điều cần lưu ý là, sân bay Tân Sơn Nhất với công suất đủ lớn (50-60) là một điểm tựa vô giá cho vị thế toàn cầu của TPHCM như một TPTM và sức cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Ông cũng biết đấy, chiến lược phát triển quốc gia nói chung hay mỗi địa phương nói riêng có thành công hay không đều cần phải cần dựa vào sức mạnh nội lực trước nhất. Theo ông, TP HCM cần phải tập trung khởi động như thế nào trên con đường tìm lại ngôi vị số 1?

TPHCM có ba lợi thế lớn. Thứ nhất, nó có vị thế kinh tế và độ gắn kết quốc tế khá cao. Trong một số báo cáo toàn cầu, TPHCM được xếp vào một trong những siêu đô thị (trên 10 triệu dân) với tiềm năng phát triển lớn. TPHCM có thể trở thành một điểm đầu cầu chiến lược để thế giới gắn kết và cộng hưởng với sự trỗi dậy của Châu Á.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại