Nhiều người bị lừa khi đổ xô dùng thử ChatGPT: Mất tiền vẫn chưa phải đáng sợ nhất!

HUỲNH DUY |

Nhiều người dùng muốn trải nghiệm ChatGPT đã trở thành "con mồi" béo bở cho những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển muốn lợi dụng sự phổ biến của chatbot này để thu lợi bất chính.

Mới chỉ ra mắt được một thời gian ngắn, nhưng ChatGPT của OpenAI đã làm mưa làm gió khi thu hút được sự chú ý của nhiều người dùng trên thế giới. Tại Việt Nam, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT" và "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều.

Nhiều người bị lừa khi đổ xô dùng thử ChatGPT: Mất tiền vẫn chưa phải đáng sợ nhất! - Ảnh 1.

Kể từ khi được ra mắt vào ngày 30/11/2022, ChatGPT được ca ngợi là một trong những bước phát triển lớn nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) (Ảnh: FT montage/Getty Images)

Tuy là sản phẩm AI được cung cấp miễn phí và đơn giản qua trang chat.openai.com nhưng tại Việt Nam, dịch vụ này vẫn chưa sẵn có cho người dùng trải nghiệm. Do đó, có không ít người đã tìm cách "lách luật" để dùng thử ChatGPT, thậm chí chấp nhận trả tiền để mua nick về để trải nghiệm chatbot.

Tận dụng trào lưu và sự tò mò tìm hiểu ChatGPT của người dùng, những kẻ lừa đảo và các nhà phát triển gian manh đã tìm cách thu lợi bất chính.

Trên các kho ứng dụng như Play Store và App Store, hàng loạt ứng dụng ăn theo ChatGPT xuất hiện. Chỉ cần tìm với từ khóa "ChatGPT", người dùng nhận về hàng trăm kết quả, như Open Chat GPT AI Bot, ChatGPT - Chat with AI, Aico có từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu lượt tải.

Phần lớn sử dụng logo đều giống với biểu tượng OpenAI, đi kèm cách đặt tên có từ khóa gây nhầm lẫn, thậm chí có ứng dụng tự nhận là "ChatGPT của OpenAI".

Nhiều người bị lừa khi đổ xô dùng thử ChatGPT: Mất tiền vẫn chưa phải đáng sợ nhất! - Ảnh 2.
Nhiều người bị lừa khi đổ xô dùng thử ChatGPT: Mất tiền vẫn chưa phải đáng sợ nhất! - Ảnh 3.

Thông qua việc giả mạo các ứng dụng, kẻ gian có thể moi tiền người dùng khi đăng ký thuê bao, thậm chí chèn mã độc đánh cắp thông tin nhạy cảm

Các phần mềm này đều cho phép tải về miễn phí, nhưng trong lần sử dụng đầu tiên, người dùng sẽ phải đồng ý với các điều khoản về thuê bao và thanh toán trước. Đây là điều người dùng cần đặc biệt lưu ý bởi ChatGPT chưa có ứng dụng chính thức trên di động.

Bên cạnh đó, việc đồng ý với gói thuê bao từ chương trình mạo danh có thể khiến nạn nhân mất tiền theo chu kỳ (ngày, tuần, tháng hoặc năm) và cần phải gỡ gói thuê bao trước khi xóa ứng dụng khỏi máy.

Trước đó, ngày 2/2, ứng dụng có tên ChatGPT (All Languages) do một công ty viết phần mềm Việt phát triển đã bị xóa khỏi Google Play. Hôm 10/1, ứng dụng có tên "ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3" cũng đã bị xoá sổ sau khi ứng dụng này đạt hàng trăm nghìn lượt tải.

Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, kẻ gian có thể lợi dụng cơn sốt ChatGPT để tấn công người dùng thông qua việc giả mạo các ứng dụng, nhằm moi tiền người dùng khi đăng ký thuê bao, thậm chí chèn mã độc đánh cắp thông tin nhạy cảm.

Thống kê của hãng phân tích dữ liệu Similarweb cho thấy, ChatGPT đã thu hút 590 triệu lượt truy cập từ 100 triệu người dùng. Theo các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư UBS (Mỹ), đây là tốc độ tăng trưởng nhanh chưa từng có đối với một ứng dụng dành cho người dùng. Trước đó, TikTok mất 9 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram tốn 2 năm, theo hãng phân tích ứng dụng Sensor Tower.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại