TS Nguyễn Đức Thành cho biết, lạm phát có xu hướng tăng trở lại, nhất là khi giá năng lượng và dịch vụ công (y tế, giáo dục) nhích tăng. VEPR dự báo năm 2016, lạm phát sẽ khoảng 4-5 %.
Bên cạnh đó, ông Thành lưu ý đến vấn đề ngân sách.
Theo đó, ông Thành cho rằng ngân sách rất eo hẹp trong bối cảnh nợ công cao, chi thường xuyên không có xu hướng giảm. Kỷ luật tài khóa quá lỏng lẻo vẫn là tình trạng từ lâu mà nay chưa thể giải quyết.
Vay nước ngoài đã trở nên khó khăn khi Việt Nam là nước thu nhập trung bình. Các doanh nghiệp, là nguồn thu thuế, phục hồi chậm và chưa ổn định. Thậm chí quý I có tới 22.000 doanh nghiệp vừa phá sản.
“Gần như chắc chắn sẽ có những loại phí sớm được ban hành để giải quyết thâm hụt ngân sách”- Ông Thành cho biết.
Trong khi đó, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lại không bi quan vì bức tranh kinh tế quý I.
Theo ông, Việt Nam đang tái cơ cấu, chuyện nền kinh tế có sự giảm tốc tăng trưởng là không đáng ngại.
Thậm chí đó còn là tiền đề cho sự tăng trưởng bền vững, lành mạnh hơn sau tái cơ cấu. “Chính phủ mới sẽ đủ quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ. Đó là cải cách thế chế”- ông Tuyển nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế có mặt ở tọa đàm, các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực cũng chỉ mang đến cho Việt Nam những cơ hội tiềm năng.
Để tiềm năng thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp và người dân thì Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ.
Trong đó, điều quan trọng nhất được chuyên gia khuyến nghị với Chính phủ là phải giữ được lòng tin của nhân dân. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam.