Là sự kiện trọng đại nhất với Phật tử trên khắp thế giới, đại lễ Phật Đản được tổ chức trang nghiêm với nhiều hoạt động tâm linh ý nghĩa tại rất nhiều chùa và các cơ sở tự viện. Tại Nam bộ, núi Bà Đen với hệ thống chùa cổ hàng trăm năm tuổi là miền đất hành hương được nhiều Phật tử và du khách tìm về trong mỗi mùa Phật đản để tưởng nhớ đức Phật, đồng thời tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu – một biểu tượng tâm linh của người Nam bộ.
Suốt từ đầu tháng 4 Âm lịch đến nay, rất nhiều hoạt động văn hoá tâm linh đã được tổ chức tại núi Bà Đen trong mùa Phật đản. Tại hệ thống các chùa núi Bà, nghi thức tắm Phật được tổ chức trang nghiêm để thể hiện lòng tôn kính, hân hoan trước sự xuất hiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cũng là một hành động để mỗi người gột rửa thân tâm, tìm lại sự thanh tịnh.
Hệ thống chùa Bà tại núi Bà Đen. Ảnh: Đỗ Thành Nhân.
Trên đỉnh núi Bà Đen, vào Thứ 7 ngày 18/5 (nhằm 11/4 Âm lịch) tới đây, chương trình Đại lễ kính mừng Phật Đản sẽ chính thức diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Theo đó, chương trình nghệ thuật Kính mừng đại Lễ Phật Đản sẽ được tổ chức quy mô giữa không gian linh thiêng trên đỉnh núi vào hai khung giờ sáng và chiều. Đây là thời khắc để nhân dân hướng về lòng từ bi, công đức và hành trình thành đạo của đức Thích Ca Mâu Ni. Chương trình nghệ thuật cũng sẽ đưa du khách đến với hành trình khám phá đặc sắc văn hoá bản địa Tây Ninh và miền Nam bộ qua các điệu múa trống Chhay- dăm, nhạc ngũ âm mang đặc trưng của người Khmer.
Lễ dâng đăng sẽ được tổ chức vào tối 18/5 mừng ngày Phật đản. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Hoạt động văn hoá tâm linh được Phật tử và nhân dân chờ đón bậc nhất tại núi Bà Đen trong mùa Phật đản năm nay là đại lễ dâng đăng diễn ra vào tối Thứ 7, ngày 18/5. Hàng ngàn ngọn đăng do chính tay Phật tử và du khách viết lời nguyện ước sẽ được thắp sáng trên quảng trường rộng lớn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Trong không gian huyền ảo, các ngọn đăng được thắp sáng lung linh thả trôi trên dòng nước sẽ là lời nguyện ước bình an, hạnh phúc dâng lên đức Phật.
Cũng tại đỉnh núi cao nhất Nam bộ trong mùa Phật đản, Phật tử và du khách sẽ được chiêm bái và đảnh lễ trước xá lợi đức Phật Thích Ca được an tọa trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, giữa không gian tôn nghiêm tại trung tâm triển lãm Phật giáo dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014.
Xá lợi Đức Phật được lưu giữ trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Là nơi hiếm hoi tại Việt Nam được chọn lưu giữ "bảo vật của thế giới Phật giáo", đối với núi Bà nói riêng và Tây Ninh nói chung, đây là phước báu to lớn. Theo văn hoá Phật giáo, đức Phật là bậc xuất thế cứu độ chúng sanh, chiêm bái xá lợi cũng giống như thấy đức Phật còn ở trần thế, giúp con người tìm kiếm được niềm hạnh phúc, an lạc đích thực.
Dịp này, du khách lên đỉnh núi Bà Đen cũng sẽ được chiêm ngưỡng cây bồ đề vàng cao 3,6m, được mạ vàng 24k trong Triển lãm Cây bồ đề Cát Tường do Công ty CP Mai Vàng Rồng Việt phối hợp cùng KDL Sun World Ba Den Mountain tổ chức từ ngày 30/04/2024 đến hết ngày 02/09/2024. Trong văn hoá Phật giáo, cây bồ đề là biểu trưng cho sự chứng ngộ của đức Phật khi vào hơn 2.600 năm trước, Ngài đã toạ thiền và thành tựu giác ngộ dưới cội bồ đề. Bởi vậy, chiêm bái cây bồ đề vàng ngay tại ngọn núi cao nhất Nam bộ là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa đối với Phật tử và du khách trong mùa Đức Phật đản sinh.
Cây bồ đề vàng cao 3,6m trưng bày trên đỉnh núi Bà. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain
Là một trong số các huyệt đạo thiêng trên cả nước, núi Bà Đen từ lâu đã là biểu tượng tâm linh của người Nam bộ và là điểm đến tâm linh của hàng triệu Phật tử và du khách trên cả nước. Hàng năm, rất nhiều lễ hội Phật giáo được tổ chức tại đây như lễ vía Di Lặc, lễ vía Quán Thế Âm Bồ Tát, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Phật đản.. với các nghi thức trang trọng, thiêng liêng, đưa núi Bà Đen thành miền đất hành hương hàng đầu Nam bộ.