Gia đình ông Đỗ Hồng Thanh (46 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Bửu) có trên 1.000m2 đất thổ và đất lúa nằm trong khu vực triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Trong đó, có trên 600m2 bị thu hồi.
Sau khi nhận trên 3 tỷ đồng tiền bồi thường, GPMB, từ giữa tháng 5, gia đình ông Thanh đã thuê thợ tháo dỡ công trình trên phần đất giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho chính quyền địa phương.
“Trên 10 năm nay, tôi tận dụng chiều dài trên 70m đất mặt tiền Đường tỉnh 830C mở quán cà phê, mỗi ngày thu nhập cả triệu đồng nên cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Vì cái chung, tôi sẵn sàng tháo dỡ quán cà phê để bàn giao đất cho chính quyền thi công dự án”, ông Thanh cho biết.
Gia đình ông Đỗ Hồng Thanh đang tháo dỡ công trình trên đất để bàn giao mặt bằng cho dự án. Hộ ông Thanh được bồi thường với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng
Gia đình bà Trần Thị Bảy (55 tuổi, ngụ ấp 2, xã Tân Bửu) có phần đất thổ cư 200m2 được thu hồi làm đường Vành đai 3. Bà đã nhận số tiền bồi thường trên 3,3 tỷ đồng và chuẩn bị tháo dỡ công trình trên đất để giao mặt bằng cho dự án.
"Lúc đầu, tôi cũng hơi buồn vì phải rời xa mảnh đất, căn nhà đã ở mấy chục năm qua. Tuy nhiên, vì sự phát triển chung nên tôi đồng ý", bà Bảy nói
Dự án Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có 2 dự án thành phần là 7 và 8, được đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương (khoảng 75%) và ngân sách tỉnh (khoảng 25%). Trong đó, tổng mức đầu tư dự án thành phần 7 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh) là 3.040 tỉ đồng, dự án thành phần 8 (GPMB) là 1.168 tỉ đồng.
Hộ gia đình bà Trần Thị Bảy đồng ý nhận tiền bồi thường trên 3,3 tỷ đồng để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM
UBND huyện Bến Lức được giao thực hiện dự án thành phần 8. Đoạn qua địa bàn tỉnh Long An (huyện Bến Lức) có chiều dài tuyến 6,84km với 395 hộ dân ở các xã Tân Hòa, Tân Bửu, Mỹ Yên thuộc diện giải tỏa với tổng diện tích đất phải thu hồi là 43ha.
Đại diện UBND huyện Bến Lức cho biết đến thời điểm này địa phương đã chi trả tiền bồi thường cho 365/395 hộ dân, đạt 92,4% với tổng số tiền 786,9/835,7 tỷ đồng (đạt 94,16%). Tổng diện tích đã bồi thường là 40,8/43ha, đạt 94,8%.
Nhánh bên dưới là điểm cuối của Vành đai 3, nhánh bên trên hướng bắt đầu cao tốc Bến Lức-Long Thành (Đồng Nai).
Về tái định cư, chính quyền địa phương đã tiến hành xét chính sách tái định cư sơ bộ cho 127 trường hợp có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng. Qua đó, có 110 trường hợp đủ điều kiện được bố trí tái định cư bằng đất nền và 17 trường hợp được hỗ trợ tái định cư bằng tiền.
Sau khi nhận tiền bồi thường, GPMB dự án đường Vành đai 3 TPHCM, nhiều hộ dân xã Tân Bửu, Tân Hòa và Mỹ Yên, huyện Bến Lức đã và chuẩn bị tháo dỡ công trình trên đất, bàn giao mặt bằng. Trong đó, xã Tân Bửu chiếm đa số với 312 hộ dân nằm trong diện GPMB và diện tích cần thu hồi là trên 32ha. Tổng số tiền phải bồi thường cho các hộ là 711 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi trên 30,2ha đất của 284 hộ với số tiền đã giải ngân là 667 tỷ đồng.
Theo ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch với các mốc tiến độ đề ra theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 15/8/2022. Dự kiến, tỉnh Long An sẽ khởi công dự án vào cuối tháng 6/2023.