Nhiều hiệu trưởng dự phiên tòa xử vụ tham ô

Phương Loan |

Phiên tòa xử nguyên kế toán trưởng một trường tiểu học ở Tân Bình, TP.HCM tham ô tài sản có rất đông ban giám hiệu và kế toán các trường trong quận đến dự…

Ngày 18-7, tại Phòng GD&ĐT quận Tân Bình, TAND quận Tân Bình, TP.HCM đã xét xử lưu động vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền đối với bà Vũ Thị Thanh Thúy, nguyên kế toán trưởng trường này.

111 triệu đồng và 5 năm tù

Phiên tòa chật ních người tham dự trong hội trường của Phòng GD&ĐT. Trong số người dự khán có rất nhiều thành viên ban giám hiệu (trong đó có hiệu trưởng) và kế toán của các trường do quận quản lý.

Nhờ vậy, mục đích của tuyên truyền, phổ biến pháp luật khi xử lưu động đảm bảo có hiệu quả.

VKS đề nghị phạt bà Thúy 6-7 năm tù. HĐXX đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như thành khẩn khai báo, có thành tích công tác, phạm tội lần đầu, đã khắc phục hậu quả nên tuyên phạt bà năm năm tù. HĐXX miễn hình phạt bổ sung vì bà Thúy không có thu nhập.

Nói lời sau cùng, bà Thúy cho rằng đây là bài học lớn trong cuộc đời. Bà xin lỗi gia đình và đồng nghiệp về hành vi của mình.

HĐXX nhận định: Bà Thúy là kế toán trưởng, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc trả lương điện tử và lợi dụng sự sơ hở trong quản lý của hiệu trưởng để chiếm đoạt 111 triệu đồng.

Đối với 50 triệu đồng (35% phụ cấp) mà bà Thúy không thừa nhận đã chiếm đoạt, tuy bà không tự đưa tên mình vào danh sách nhận tiền nhưng bà biết là số tiền đó mình không được hưởng mà vẫn cố ý chiếm đoạt trong thời gian dài.

Số tiền này là tiền phụ cấp nhà nước nên bà Thúy vẫn phải chịu trách nhiệm do bà là người có chức vụ, quyền hạn cùng hiệu trưởng quản lý trực tiếp.

Số tiền 16 triệu đồng là tiền chiết khấu thương mại của các cơ sở bán hàng cho nhà trường nên HĐXX xác định tiền này là tiền của trường, không phải tiền ngân sách.

Về trách nhiệm hiệu trưởng cũ của Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền và một chuyên viên Phòng Giáo dục, HĐXX xét thấy đã có đủ dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đó là lỗi vô ý, hai ông bà này đã bị xử lý hành chính nên không xem xét xử lý hình sự là có cơ sở.

Tham ô hay chỉ lạm dụng?

Theo cáo trạng, lợi dụng việc trả lương điện tử hằng tháng và lợi dụng sự sơ hở trong quản lý của hiệu trưởng, sự thiếu kiểm tra của giáo viên, bà Thúy đã gian dối trong tác nghiệp kế toán để chiếm đoạt tiền ngân sách của Trường Nguyễn Thanh Tuyền.

Từ ngày 18-8-2010 đến ngày 29-1-2015, bà Thúy đã chiếm đoạt 111 triệu đồng tiền ngân sách và 16 triệu đồng tiền của trường.

Việc chiếm đoạt này thông qua các hành vi như tự ý chuyển tăng lương cho mình; tự đưa tên mình vào danh sách được hưởng phụ cấp ưu đãi (35%); mặc dù có giáo viên đã nghỉ việc hoặc nghỉ thai sản (lương do BHXH chi trả) nhưng bà Thúy vẫn đưa vào danh sách nhận lương rồi chuyển cho mình...

Tại tòa, bà Thúy cho rằng thực tế mình chỉ lấy 70 triệu đồng tiền ngân sách phân bổ về cho trường. Riêng số tiền 50 triệu đồng là phụ cấp ưu đãi 35% không phải do bà dùng thủ đoạn gian dối trong quá trình tác nghiệp kế toán để lấy mà do sự nhầm lẫn của Phòng GD&ĐT quận Tân Bình.

Danh sách phụ cấp ưu đãi trong bảng lương này do Phòng Giáo dục ban hành, in ra và chuyển về trường, trong đó đã có sẵn tên bà. Còn số tiền 16 triệu đồng là do chiết khấu thương mại cho trường, không phải tiền ngân sách.

Luật sư cho rằng cần xác định lại tội danh là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo các luật sư, bà Thúy mặc dù là người có chức vụ, quyền hạn nhưng không phải người có trách nhiệm quản lý tiền, cũng không phải người có trách nhiệm trong việc thu chi hoặc có quyền quyết định các khoản tiền từ ngân sách cấp và tiền của trường.

Bà Thúy cũng không được ủy quyền để quản lý các khoản tiền này. Trách nhiệm quản lý, quyền quyết định thu chi, quyết định các khoản tiền này thuộc về hiệu trưởng.

Do vậy, mặc dù có hành vi lấy tiền gây thiệt hại cho ngân sách, cho nhà trường và một số giáo viên nhưng hành vi của bà Thúy không đủ yếu tố cấu thành tội tham ô…

Tuy nhiên, cuối cùng tòa vẫn kết án bà Thúy tội tham ô tài sản.

“Hậu trường” xử lý vụ án

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan tố tụng cũng có nhiều quan điểm trái chiều về tội danh.

Tháng 8-2016, CQĐT xác định bà Thúy có đủ dấu hiệu của tội tham ô và đề nghị hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, VKS cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội phạm về chức vụ nhưng bà Thúy không phải người đứng tên chủ tài khoản, không được hiệu trưởng ủy quyền... Bà Thúy chỉ có hành vi làm trái nhiệm vụ được giao, gian dối khi tác nghiệp để hưởng lợi. Bà Thúy cũng không có sự câu kết với hiệu trưởng hay chuyên viên Phòng Giáo dục. Do vậy, hành vi của bà Thúy có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Lúc này thì CQĐT lại có quan điểm khác. CQĐT cho rằng đúng là hành vi của bà Thúy có dấu hiệu của tội như quan điểm của VKS. Nhưng theo Nghị quyết 144 và Nghị quyết 109 của Quốc hội thì hành vi của bà gây thiệt hại không lớn, thấy được việc vi phạm, đã nộp lại tiền chiếm đoạt, khắc phục hậu quả nên không cần thiết xử lý hình sự...

Tháng 9-2016, các cơ quan tố tụng quận Tân Bình thống nhất thỉnh thị ý kiến của cơ quan tố tụng cấp trên. Ngày 30-9-2016, CQĐT đề nghị chủ tịch UBND quận Tân Bình hủy quyết định xử lý kỷ luật bà Thúy để khởi tố bà Thúy. Tháng 11-2016, CQĐT xác định bà Thúy lợi dụng nhiệm vụ được giao đã dùng thủ đoạn gian dối, tạo lập các chứng cứ không đúng thực tế để được chi các khoản tiền nhà nước rồi chiếm đoạt nên có đủ dấu hiệu của tội tham ô. Sau đó, VKS đã truy tố bà Thúy về tội tham ô tài sản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại