Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc

Thanh Hiệp |

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp chip Trung Quốc đang đẩy nhiều doanh nghiệp bán dẫn trên thế giới vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Hồi đầu tháng 10, chính phủ Mỹ đã mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc phát triển các loại chip tiên tiến có thể sử dụng trong các ứng dụng quân sự và công nghệ then chốt, ví dụ như siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Theo quy định mới, các công ty trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc nếu trong sản phẩm chứa công nghệ Mỹ. Họ sẽ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Lệnh cấm cũng có hiệu lực với cả các thiết bị được sử dụng trong hoạt động sản xuất chip.

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ nỗ lực ngăn chặn tham vọng phát triển các loại chip tiên tiến của Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Các quy định mới ngay lập tức đã ảnh hưởng lớn đến các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip. Việc không thể mang những thiết bị tiên tiến tới Trung Quốc khiến cả Samsung và SK Hynix – hai nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc đối mặt với những khó khăn lớn trong việc mở rộng dây chuyền sản xuất và thay thế các trang thiết bị đã xuống cấp tại các nhà máy ở đất nước tỷ dân. Theo Nikkei, khoảng 40% sản lượng chip 3D NAND của Samsung và 40% chip DRAM của SK đều được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc, nơi các công ty thường lắp đặt những thiết bị sản xuất mới nhất và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là mảng cung cấp thiết bị sản xuất chip và vật liệu chip, cũng đang đối mặt với khó khăn lớn vì các quy định mới của Mỹ. Trong năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu của riêng mảng thiết bị sản xuất chất bán dẫn là 3,3 nghìn tỷ yen, trong đó, gần 40% là tới thị trường Trung Quốc.

Akihiro Morishige – chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mitsubishi cho biết, "Vẫn còn một số điều không chắc chắn về cách thức hoạt động của các quy định mới, nhưng nếu diễn giải chúng một cách thẳng thắn, ngành công nghiệp chip của Nhật Bản sẽ thiệt hại rất lớn."

Tokyo Electron – một trong những công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện đã phải điều chỉnh giảm dự báo doanh số hàng năm từ 2,35 nghìn tỷ yen xuống còn 2,1 nghìn tỷ yen. Một nửa mức cắt giảm 250 tỷ yen là bởi các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới nhằm vào Trung Quốc – thị trường lớn nhất của hãng, chiếm tới 28,3% doanh số trong năm vừa qua.

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 2.

Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản như Tokyo Electron sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế của Mỹ. (Nguồn: Japan Times)

Tại châu Âu, các công ty cung cấp các công cụ sản xuất chip như ASML và các nhà sản xuất chip ít bị ảnh hưởng bởi các quy định mới hơn so với các công ty Mỹ hay châu Á. Bởi lẽ các sản phẩm của họ dành cho thị trường Trung Quốc thiên về công nghệ sản xuất chip cũ hơn là các công nghệ tiên tiến mà lệnh cấm của Washington nhắm đến.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn tỏ ra lo lắng những bất ổn địa chính trị do căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh có thể làm gián đoạn hoạt động của họ tại Trung Quốc. "Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới không ảnh hưởng đến chúng tôi. Nhưng dĩ nhiên không ai biết phần tiếp theo sẽ như thế nào," giám đốc điều hành NXP Kurt Sievers chia sẻ với Financial Times.

Ông Sievers cũng cho biết mặc dù hoạt động kinh doanh của NXP tại Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi các quy tắc mới, nhưng họ đã khuyên các nhân viên quốc tịch Mỹ của mình ngừng mọi liên lạc liên quan đến sản xuất chất bán dẫn với các khách hàng ở Trung Quốc kể từ khi các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực vào tháng trước.

"Chúng tôi không biết chính xác cách diễn giải các quy định mới, nhưng chúng tôi cam kết tuyệt đối tuân thủ mọi lúc," ông Sievers nói. "Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện nó rất sát sao và cẩn thận. Điều này không làm thay đổi công việc kinh doanh của chúng tôi, nhưng nó khiến cho hoạt động tại Trung Quốc trở nên phức tạp hơn."

Những nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp chip cho đến nay đã bước đầu mang lại những kết quả nhất định. Các số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/11 cho thấy, sản lượng vi mạch tích hợp của Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm tới 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái – mức giảm lớn nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập hồi năm 1997.

Bên cạnh nhu cầu trong nước suy yếu, sự sụt giảm cũng đến từ việc các nhà cung cấp nước ngoài như ASML (Hà Lan), KLA hay Lam Research (Mỹ) bắt đầu cắt đứt quan hệ với các đối tác Trung Quốc để tuân thủ những quy định mới của Mỹ. Roger Dassen – giám đốc tài chính của công ty thiết bị sản xuất chip ASML Holding cho biết, công ty sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết để tuân thủ các quy định mới". Cũng theo ông Dassen, ảnh hưởng đối với ASML là khá hạn chế, nhưng công ty vẫn đang đánh giá các tác động tiềm tàng.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, TSMC – nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã ngừng sản xuất chip silicon tiên tiến cho công ty khởi nghiệp Biren Technology của Trung Quốc. Trong một phát biểu, ông C.C. Wei, Giám đốc điều hành TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết công ty tuân thủ tất cả các quy định liên quan và "sẽ tiếp tục phục vụ tất cả khách hàng trên toàn thế giới".

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã cắt đứt quan hệ với các đối tác Trung Quốc để tuân thủ quy định mới của Mỹ. (Nguồn: SCMP)

Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp cung cấp thiết bị sản xuất bán dẫn hiện cũng đang đánh giá mức độ ảnh hưởng từ các quy định mới, đồng thời tỏ ra thận trọng hơn đối với kế hoạch kinh doanh tại Trung Quốc. Masayuki Kimura, giám đốc điều hành của Deloitte Tohmatsu Venture Support cho biết, "Các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm hoặc ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc, để tránh bị thiệt hại bởi các biện pháp hạn chế mới."

Với các công ty của Hàn Quốc như Samsung hay SK, tình hình có khả quan hơn, khi giới chức Mỹ đã đồng ý tạm hoãn áp dụng quy định mới đối với các nhà máy của hai hãng này tại Trung Quốc trong vòng một năm. Tuy nhiên, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn này chấm dứt.

Nếu không thể xin được giấy phép hoặc phải xin cấp phép theo từng giao dịch, Samsung và SK sẽ không thể mua được các công cụ sản xuất phù hợp để triển khai những quy trình sản xuất hiện đại và mất đi khả năng cạnh tranh. Hiện cả hai đều đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc tiếp tục đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip tại Trung Quốc hay dần rút khỏi quốc gia này, để chuyển đến các địa điểm phù hợp hơn.

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 5.

Các hãng sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung hay SK Hynix có thể phải đối mặt với nguy cơ dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Giám đốc marketing của SK Hynix Kevin Noh thừa nhận, "Nếu xảy ra tình huống mà chúng tôi phải xin giấy phép đối với từng loại công cụ, hoạt động cung cấp thiết bị sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng, và chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc." Cũng theo ông Noh, trong tình huống xấu nhất, SK Hynix sẽ xem xét việc từ bỏ các cơ sở sản xuất của hãng tại Vô Tích, Trung Quốc và dịch chuyển hoạt động sản xuất về Hàn Quốc.

Tuy nhiên, việc từ bỏ thị trường Trung Quốc khổng lồ vẫn là điều cuối cùng mà các doanh nghiệp bán dẫn muốn nghĩ đến, đặc biệt là tại khu vực Đông Á – nơi có mối quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc. Giáo sư Ichiro Inoue tại Trường Nghiên cứu Chính sách tại Đại học Kwansei Gakuin, Nhật Bản cho rằng quy mô khổng lồ của nền kinh tế Trung Quốc đã ăn sâu vào nhiều yếu tố của nền kinh tế toàn cầu, và điều này khiến các nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng tách rời Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn.

Bà Mariko Togashi, một nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và quốc phòng của Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cũng nhận định, việc tách rời hoàn toàn với Trung Quốc là khó xảy ra. Mặc dù sự tách biệt có chọn lọc trong một số lĩnh vực liên quan đến công nghệ nhạy cảm sẽ có thể đạt được bước tiến nhất định, nhưng điều này là rất tốn kém, và trong một số trường hợp là bất khả thi. "Tôi tin rằng các quốc gia liên quan hiện đang trong quá trình tìm hiểu xem nên tiến hành tách rời bao xa và ở những lĩnh vực nào", bà Togashi cho biết.

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 6.

Sẽ rất khó để các doanh nghiệp chip Đông Á có thể rời bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc. (Nguồn: SCMP)

Tại châu Âu, các nhà sản xuất chip hàng đầu cũng cho biết đang cố gắng giữ thế cân bằng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Phát biểu bên lề một triển lãm thương mại bán dẫn vừa diễn ra tại Munich (Đức), các giám đốc điều hành của STMicroelectronics, Infineon và NXP Semiconductors đều cho biết, mặc dù vẫn sẽ tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của Washington đối với lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, nhưng họ không có kế hoạch ngừng hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

"Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của chúng tôi và đây là thị trường mà chúng tôi không muốn rời bỏ, chúng tôi muốn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại đây," Jean-Marc Chery, giám đốc điều hành của STMicroelectronics cho biết. "Chúng tôi chỉ muốn thế giới mang lại cho chúng tôi sự ổn định. Chúng tôi có thể thích nghi với những thay đổi, nhưng nếu chúng tôi cứ phải thay đổi sáu tháng một lần thì thật khó khăn."

Nhiều hãng chip mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc - Ảnh 7.

Các hãng chip tại châu Âu như STMicroelectronics, Infineon và NXP Semiconductors đều không muốn rời khỏi thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Financial Times)

Chính phủ Hà Lan thậm chí còn tỏ ra cương quyết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp bán dẫn của mình như ASML. Trong một tuyên bố mới đây, giới chức nước này đã lên tiếng cảnh báo, Mỹ không nên kỳ vọng chính phủ nước này sẽ dễ dàng tuân thủ các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm vào Trung Quốc.

"Hà Lan sẽ không sao chép từng biện pháp của Mỹ," Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan Liesje Schreinemacher cho biết. "Chúng tôi sẽ đưa ra các đánh giá riêng của mình, và thực hiện điều này với sự tham vấn từ các nước đối tác như Nhật Bản và Mỹ." Cũng theo bà Schreinemacher, Hà Lan có khả năng sẽ tự đưa ra một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhất định đối với Trung Quốc, tuy nhiên, việc xác định các quy tắc mới sẽ cần thêm thời gian.

Các bình luận này đánh dấu lần đầu tiên giới chức Hà Lan công khai lập trường của mình trong vấn đề hạn chế xuất khẩu đối với ngành chip Trung Quốc. Tuyên bố của bộ trưởng Schreinemacher nêu bật những thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt trong việc thuyết phục các nước đồng minh tham gia kế hoạch của mình.

Mặc dù đều chia sẻ mối lo ngại an ninh với Mỹ, Hà Lan cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện vẫn coi Trung Quốc là thị trường lớn mà các doanh nghiệp của họ cần duy trì quyền tiếp cận. Dự kiến, các quan chức cấp cao của Mỹ – bao gồm Thứ trưởng thương mại công nghiệp và an ninh Alan Estevez, sẽ tới Hà Lan trong tháng này để thảo luận về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Nhưng Bloomberg đánh giá, việc đạt được một thỏa thuận trong thời gian ngắn sẽ là điều không hề dễ dàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại