Nhiều giáo viên mầm non đổi nghề để tăng thu nhập

Vy An |

Là khối học phải nghỉ dịch COVID -19 lâu nhất, để nuôi sống bản thân và gia đình nhiều giáo viên mầm non đã phải xoay sang nhiều công việc khác nhau.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hơn 300 cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội phải giải thể sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch COVID-19.

Cũng theo một khảo sát của Bộ GD&ĐT, có tới 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên. Đáng nói, ngay cả khi trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, ngành giáo dục vẫn luôn trong tình cảnh thiếu đến gần 50.000 giáo viên mầm non.

Nhiều người vẫn ví nghề giáo viên mầm non như làm "dâu trăm họ" khi phải "vừa dạy, vừa dỗ" trẻ nhỏ từ sáng sớm đến chiều muộn, vừa phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ phía phụ huynh.

Thế nhưng, chỉ tiêu biên chế cho giáo viên mầm non lại rất khiêm tốn, trong khi, công việc hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khá bấp bênh, thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn; nên không nhiều người muốn gắn bó lâu dài với nghề, sẵn sàng bỏ nghề nếu tìm được công việc tốt hơn.

Nhiều giáo viên mầm non đổi nghề để tăng thu nhập - Ảnh 1.

Các cô giáo mầm non phải làm rất nhiều việc trong một ngày. Ảnh: NVCC

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021, chị Nguyễn Hồng Hoa (sinh năm 1986, Hoàng Mai, Hà Nội) giáo viên mầm non của một cơ sở tư thục ở Hà Nội được đi làm trở lại, được 2 tháng thì dịch COVID - 19 ở Hà Nội bùng phát trở lại. Đến tháng 3/2021, chị Hoa nhận được thông báo của nhà trường tạm dừng hoạt động dạy và học để tăng cường thực hiện phòng, chống dịch.

Chị Hồng Hoa chia sẻ: "Vì dịch bệnh buộc phải nghỉ làm giữa chừng chị cũng lo lắng lắm bởi còn bao nhiêu chi tiêu trong gia đình, con cái. Mọi tiêu dùng trong nhà buộc phải cắt giảm xuống một nửa, sống tiết kiệm hơn vì hiện lúc đó chỉ còn trông chờ vào mỗi lương của chồng.

Nếu nghỉ ngày một ngày hai thì được nhưng vì phải nghỉ thời gian dài nên chị quyết định xin nghỉ việc hẳn ở trường tìm việc khác làm để duy trì thu nhập."

Trước thời điểm bùng phát dịch COVID - 19 bùng phát, thu nhập đi làm chị Hoa đạt khoảng 8 triệu đồng/tháng. Một ngày làm cô giáo mầm non của chị Hoa thường bắt đầu từ 7h sáng đến 17 giờ 30 phút chiều, nhưng có những hôm một vài em bố mẹ đón muộn, chị sẽ tan làm lúc 18 giờ tối.

Chị Hoa chia sẻ công việc hiện tại là nhân viên bán hàng online cho một cửa hàng bán mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện có mức lương cứng là 10 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp, làm thêm ngoài giờ, ngoài ra cửa hàng còn cung cấp bữa ăn trưa cho nhân viên.

"Công việc hiện tại mang lại mức thu nhập cao và ổn định hơn so với làm giáo viên mầm non. Lương của chị cộng với lương ông xã cũng vừa đủ để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học", chị Hoa chia sẻ.

Nhiều khi cố gắng làm thêm ngoài giờ để tích góp khiến chị Hoa không có thời gian dành riêng cho cho bản thân nhưng theo chị công việc này mang lại mức lương khá và đỡ vất vả hơn so với nghề "gõ đầu trẻ". Phần lớn bạn bè, đồng nghiệp của chị Hoa là giáo viên mầm non cũng đã chuyển nghề.

Chị Hoa nhớ lại chia sẻ: "Thực sự từ khi có dịch COVID - 19, trường mầm non nhiều lần phải đóng cửa, giáo viên tư thục như chị phải nghỉ việc trong thời gian dài. Nhiều cô đã có gia đình nên áp lực kinh tế rất lớn. Bởi vậy, dù yêu nghề cũng buộc phải chuyển nghề để mưu sinh."

Giáo viên mầm non là một nghề vất vả, thu nhập không cao, giờ đây lại thêm yếu tố bấp bênh vì dịch bệnh nên nhiều người chuyển sang một công việc khác.

Để đảm báo kinh tế, tương tự cô Vy Kim Thu, giáo viên mầm non tại trường Mẫu giáo Măng Non (Hà Nội) với hơn 35 năm đi dạy quyết định bỏ nghề để chuyển sang làm công việc bán bảo hiểm. Một tháng cô có thể kiếm được 20 triệu đồng, cao hơn khoản lương 9 triệu đồng khi là giáo viên mầm non.

"Dạy mầm non vất vả lắm, sáng 6h đi ra khỏi nhà, chiều tối 6h mới được về nhà, làm 8 tiếng/ngày. Chưa kể nghề này phải chịu áp lực từ quá nhiều phía, nhất là phụ huynh. Bên cạnh đó, các cô tuy chỉ là dạy các bé mầm non những cũng phải lên giáo án, lên tiết, sổ sách, thi đua, thao giảng như các cô dạy cấp 1, cấp 2 chưa kể phải trang trí cho lớp, cho các lễ hội, cho bé ăn, chăm sóc bé", cô Thu chia sẻ.

Trong đợt giãn cách xã hội, cô Thu được một người bạn giới thiệu công việc bán bảo hiểm. Khách hàng cô hướng tới là những người trung niên có nhu cầu bảo vệ sức khỏe, gia đình có con đang đi học. Chủ yếu công việc làm online, giao tiếp qua điện thoại và mạng xã hội. Hiện nay, khách hàng của cô đã có hơn 50 người.

Nhằm thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, thiết nghĩ, các trường cần công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng để họ có điều kiện tiếp cận; tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại