Nhiều gia đình trẻ không dùng tiền mặt, ai có “quỹ đen” là biết ngay

Hải My |

Không phải “đau đầu” nhớ nhớ quên quên khi hôm nay bản thân đã tiêu tiền vào món đồ gì là điểm cộng khiến nhiều gia đình không còn chuộng dùng tiền mặt.

Chuyện chi tiêu, tài chính đối với mỗi gia đình luôn được cho là nhạy cảm, đôi khi cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng cãi vã vì bất đồng quan điểm. Nào là ai sẽ chia tiền riêng hay tiền chung, ai là người quản lý chi tiêu chính, hoạch định mỗi tháng ra sao để không vượt mức,... Có rất nhiều vấn đề khiến các cặp vợ chồng phải “đau đầu” để tính toán, phân chia sao cho hợp lý nhất.

Chưa kể, nếu là người có trọng trách nắm chi tiêu, hẳn lúc nào cũng kè kè bên mình một quyển sổ để ghi lại danh sách các khoản đã dùng trong ngày. Điều này khiến không ít người mệt mỏi vì lúc nhớ, lúc quên hoặc đôi khi vài nghìn lẻ tự dưng “bay biến”.

Tuy nhiên hiện tại, khi mọi thứ phát triển hiện đại hơn, nhiều gia đình trẻ có xu hướng chuyển hoàn toàn sang việc thanh toán không tiền mặt. Họ có thể sử dụng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR, nạp voucher dùng mã tích điểm,... Nhìn chung, mọi thao tác chỉ dựa trên điện thoại, ra đường không cần mang tiền hay sổ bút gì vẫn có thể biết chính xác chi tiêu trong ngày ra sao.

Thoát khỏi tình trạng trong ví có 500k hay 5 triệu cũng hết

Không tự nhận mình là tín đồ của xu hướng “sống không tiền mặt” nhưng Mai Nhi (26 tuổi) phải công nhận sự tiện lợi của việc chuyển khoản hoặc quét QR code. “So với trước đây, mình cảm thấy cuộc sống của mình phần nào thay đổi vì đi đâu thanh toán cũng tiện lợi và an toàn hơn. Mình không cần đem theo nhiều tiền mặt trong người, không cần đi đổi tiền hay tìm cây ATM rút như trước nữa”, Mai Nhi nói.

Nhiều gia đình trẻ không dùng tiền mặt, ai có “quỹ đen” là biết ngay - Ảnh 1.

Mai Nhi (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, vì thanh toán bằng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại nên Mai Nhi thích nhất việc có thể kiểm tra lại lịch sử giao dịch. Nhất là với một người đã có gia đình, khi nhìn vào đó, cô nàng cảm thấy dễ quản lý chi tiêu hơn khi biết được mình đã tiêu những gì, tốn bao nhiêu và còn bao nhiêu.

Mai Nhi chia sẻ: “Nhà mình hay có thói quen tiện tay đút tiền vào túi quần, túi áo xong rơi mất nhưng giờ thì gần như không như vậy nữa. Hai vợ chồng chỉ việc check app là biết còn bao nhiêu tiền, mua sắm các món đồ cụ thể ra sao,... Rất tiện lợi mà không lo vô tình ‘thất thoát’ như trước”.

Cùng chung quan điểm này, Mỹ Linh (28 tuổi, Hà Nội) cho biết cô và chồng có một tài khoản chung, cả hai cùng cầm để chi tiêu và theo dõi chi tiêu cho gia đình. Do vậy, khi một trong hai người sử dụng, người còn lại đều biết và nắm được, mọi thứ đều minh bạch và rõ ràng.

“Mình hay nói vui với mọi người, không dùng tiền mặt thì chồng có ‘quỹ đen’ là biết ngay. Nạp bao nhiêu, rút bao nhiêu đều hiện rõ nên không ai nói dối được ai. Đương nhiên là vợ chồng sẽ tin tưởng nhau nhưng công nghệ tiện lợi thế này cũng tốt hơn mà”, Mỹ Linh hài hước bày tỏ.

Nhiều gia đình trẻ không dùng tiền mặt, ai có “quỹ đen” là biết ngay - Ảnh 2.

Nhiều gia đình dần bỏ thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, cô cũng cho hay cách chi tiêu không dùng tiền mặt khiến hai vợ chồng tiết kiệm hơn, thay đổi thói quen mua sắm: “Không biết mọi người có giống vợ chồng mình không, hồi xưa xài tiền mặt, trong ví có 500k cũng hết mà 1 triệu hay 5 triệu cũng hết. Kiểu như mình cứ thấy có tiền trong người là sẽ tiêu vô tội vạ. Còn giờ mỗi khi thanh toán sẽ hiện hóa đơn giao dịch trừ bao nhiêu, số dư còn lại thế nào. Nếu một ngày toàn thông báo đỏ vì chi tiêu, nhìn thấy sợ là bỗng dưng mình tự biết phải chi tiêu quy củ hơn, tránh tình trạng bị cạn tiền”.

Vợ chồng bớt hạch hỏi nhau tháng này tiêu gì vì con số rõ ràng

Cũng theo Mỹ Linh, cô cho biết từ ngày chuyển sang thanh toán phần lớn bằng thẻ ngân hàng, chuyển khoản hoặc QR code, hai vợ chồng bớt tranh luận hẳn về chuyện chi tiêu, tài chính. “Mình chủ yếu là người sẽ quán xuyến chi tiêu nên mình hiểu rõ cần những khoản chi nào cho gia đình. Chồng mình vì không thực tế đi mua sắm nên tháng nào quyết toán cũng hỏi tại sao em mua nhiều thế, tại sao tháng này hết nhiều,... Vì thế nên cũng nhiều lần 2 vợ chồng gặp tranh cãi. Nhưng giờ thì hết hẳn rồi, chồng mình nhìn thấy con số rõ ràng nên cũng hiểu và không còn thắc mắc”.

Không những vậy, vợ chồng Mỹ Linh còn có khá nhiều kỉ niệm vui khi thanh toán bằng nhiều hình thức mà không cần dùng tiền mặt. “Hôm đó mình được tặng 2 voucher 500k để nạp vào app tích điểm đi siêu thị. Nhưng theo quy đổi thì số điểm hiện lên trong app sẽ chỉ là 100.000 điểm, chồng mình lo lắng, còn nghĩ là lừa đảo nên chỉ mua một món đồ nhỏ thanh toán thử. Ra thấy nhân viên chỉ cần quét cái mã là có thể sử dụng ngang với trị giá tiền mặt bình thường, nên vui lắm, vừa ra khỏi siêu thị đã lại đi vào lần 2 để mua tiếp”, Mỹ Linh chia sẻ.

Là một người không sử dụng tiền mặt, từ lâu đã chuyển sang thanh toán trực tuyến, Lê Thị Tươi (30 tuổi) cũng cho biết hai vợ chồng khá hiểu ý nhau và không xảy ra bất đồng gì. “Mình thay toán mọi thứ trên điện thoại, tất cả đều dễ dàng nên chồng cũng cảm thấy an tâm. Giờ đi đâu cũng có quét QR, ra chợ hay thậm chí uống trà đá cũng không cần đến tiền mặt. Nên hai vợ chồng lúc nào cũng thấy vui vẻ vì mọi thứ nhanh gọn”, cô nói.

Ngoài ra, cô cũng chia sẻ thêm một kỉ niệm để minh chứng cho việc “sống không tiền mặt” vẫn ổn: “Trong một lần đi ăn thanh toán hóa đơn là 760k nhưng mình ấn nhầm thành 7,6 triệu đồng. Phải đến ngày hôm sau xem lại tài khoản mới biết mình chuyển khoản nhầm nên cũng đã liên hệ để được hỗ trợ giải quyết. Vậy mới nói chuyển khoản nếu sơ xuất còn có thể đối chiếu để hoàn trả. Còn nếu đôi khi trả tiền mặt mà bị kẹp dính, mình không kiểm tra kỹ, người nhận không biết thì coi như sẽ mất luôn số tiền đó rồi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại