Để tiếp cận Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà lo ngại cho rằng, ngoài việc gặp nhiều khó khăn trong việc làm chủ công nghệ 4.0, hiện nay nhiều người Việt Nam còn chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực tài chính cá nhân hay tài chính doanh nghiệp.
Đặc biệt, vẫn còn rất nhiều lãnh đạo các Tập đoàn, chủ doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa đầu tư nhiều kiến thức về lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài chính trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là các tổ chức, cá nhân đang có ý tưởng triển khai dự án khởi nghiệp.
Nhận xét về điều này, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam là một dân tộc nghèo và chưa từng có truyền thống như nhiều quốc gia khác khi họ có nhiều thế hệ là người giàu, chính vì thế người Việt Nam càng không có truyền thống về văn hóa tài chính.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT (giữa), tại Chương trình giao lưu "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
“Đa phần các cá nhân người Việt chưa được giáo dục về cách kiếm tiền, quản lý và duy trì đồng tiền, cách làm cho đồng tiền sinh lời, sử dụng thế nào và tiêu pha ra sao. Khi bản thân cá nhân chưa được giáo dục văn hóa tài chính đúng mực thì hiển nhiên cách quản lý tài chính cũng sẽ không được chuẩn hóa”, ông Bảo đánh giá.
Theo ông Bảo, trong khi ở các quốc gia có tỷ lệ người giàu lớn nhất thế giới như ở châu Âu hay ở Mỹ, việc giáo dục văn hóa tài chính đã được thực hiện từ trong mỗi gia đình giàu có qua nhiều thế hệ, thì tại Việt Nam, việc giáo dục về văn hóa tài chính rất khó thực hiện khi người Việt Nam chưa có gốc là những người giàu truyền thống, chỉ có rất ít gia đình ở thế hệ nào đó bất chợt giàu lên.
Xuất phát từ yếu tố gốc rễ này nên cách giáo dục về văn hóa tài chính cho thế hệ sau tại Việt Nam không được căn bản.
Ở góc độ doanh nghiệp cũng vậy, ông Bảo nhận thấy doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam thường ra đời sớm, có nhiều và lâu đời hơn. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ khác thường mới có thời gian hoạt động quá ngắn, còn rất ít kinh nghiệm trong việc phát triển, tích lũy vốn thành công để quản lý dòng tiền sinh lời.
Điều này đã dẫn đến một thực tế theo như ông Bảo, đó là trong thời gian trước đây, nhiều doanh nghiệp ban đầu không có đồng vốn nào nhưng vẫn cứ hoạt động bằng nguồn vốn tự huy động và cá nhân tự đóng góp.
Nhưng chỉ sau từ 5 - 7 năm, khi doanh nghiệp thành công trên thương trường, nguồn vốn đầu tư đã bắt đầu có lãi, doanh nghiệp muốn họp bàn chia nhau lợi nhuận đã phát sinh tình trạng phần lớn các doanh nghiệp này đều tan rã.
“Một lý do hết sức “lãng xẹt” khiến hiều doanh nghiệp lớn đã phải chia nhỏ thành nhiều công ty khác nhau bởi vì sau khi làm ăn thành công đã không biết chia lợi nhuận như thế nào.
Trong lúc công ty khó khăn, các nhân sự rất đoàn kết “chung lưng đấu cật” nhưng cứ khi thành công do không biết chia lợi nhuận như thế nào đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải phá sản”, ông Bảo nói.
Lạc quan hơn với các thế hệ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế, ông Bảo nhận xét, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiết lập những chuẩn hóa quản lý tài chính, họa động dưới sự kiểm toán trong nước kiểm toán quốc tế, có báo cáo tài chính công khai…
Đặc biệt, khi xuất hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được những công nghệ mới như Blockchain để quản lý tài chính ngân hàng theo chuẩn quốc tế.
Các doanh nghiệp đã biết cơ cấu vốn, tỷ lệ cổ phần, góp vốn từ đầu thành lập và chia cổ tức, chia lãi… theo mức độ đóng góp ban đầu nên việc tiếp cận tài chính trong Cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự không là điều đáng ngại.