Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khát đơn hàng, sa thải ồ ạt thì công ty này vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận

Pha Lê |

Đây là doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi trong ngành Dệt May ghi nhận tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2023.

Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khát đơn hàng, sa thải ồ ạt thì công ty này vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận - Ảnh 1.

Theo tính toán sơ bộ từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 8,701 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may quý 1/2023 đạt 5,087 tỷ USD, giảm 17,97% so với cùng kỳ 2022.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều đơn hàng bị dừng hoặc nếu có cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20 - 50% so với năm 2022. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Có nhiều đơn vị do không có đơn hàng phải dừng lao động, đóng cửa nhà máy hay là cắt giảm hợp đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với tình trạng ảm đạm chung của thị trường, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG trong quý vừa qua vẫn ghi nhận sự tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khát đơn hàng, sa thải ồ ạt thì công ty này vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận - Ảnh 2.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), tiền thân là Xí nghiệp May Bắc Thái, được thành lập năm 1979. Năm 2003, công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty là sản xuất và mua bán hàng may mặc; Sản xuất bao bì giấy, nhựa làm túi nilon, áo mưa nilon và nguyên, phụ liệu hàng may mặc...

TNG bắt đầu lấn sân sang mảng BĐS vào năm 2018. Tuy nhiên, mảng BĐS có doanh thu không đều đặn do phụ thuộc vào tốc độ thi công và bàn giao dự án. Mảng may mặc hiện vẫn là mảng kinh doanh chính, đóng góp khoảng 99% doanh thu hàng năm của TNG.

Tới năm 2022, TNG sở hữu 15 chi nhánh may với khoảng 322 chuyền may, trong đó có 12 nhà máy dệt thoi và 3 nhà máy dệt kim.

Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khát đơn hàng, sa thải ồ ạt thì công ty này vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận - Ảnh 3.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận công ty tăng trưởng khả quan trong giai đoạn 2017 - 2022 chủ yếu đến từ việc mảng may (chiếm 99% tổng doanh thu) tăng trưởng nhanh nhờ mở rộng chuyền may.

TNG bắt đầu ghi nhận doanh thu mảng BĐS từ năm 2019, tuy nhiên mảng may mặc vẫn sẽ là mảng hoạt động cốt lõi trong dài hạn.

Về mảng may mặc, chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công là 2 chi phí lớn nhất đối với TNG, chiếm khoảng 90% chi phí sản xuất kinh doanh. Đa số vải đầu vào của TNG được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) do 99% doanh thu tới từ gia công nên TNG phải tuân thủ yêu cầu về nhà cung cấp theo chỉ định của khách hàng.

Doanh thu gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của công ty có xu hướng giảm. Biên lợi nhuận gộp theo xu hướng giảm từ năm 2018 tới nay do gia tăng chi phí khấu hao từ việc mở rộng chuyền may mới; và dịch bệnh COVID ảnh hưởng tới cung - cầu của sản phẩm dệt may.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của công ty lần lượt là 1.335 tỷ đồng (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 44 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái). TNG là doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi trong ngành Dệt May ghi nhận tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý 1/2023.

Nhiều doanh nghiệp cùng ngành khát đơn hàng, sa thải ồ ạt thì công ty này vẫn tăng trưởng cả doanh thu lẫn lợi nhuận - Ảnh 4.

Để có được điều này, doanh nghiệp chủ động nhận các đơn hàng ở đơn giá thấp nhằm duy trì đơn hàng, đảm bảo việc làm giữ chân lao động và duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác bền vững với khách hàng lớn như Decathlon (DCL) và The Children Place cũng giúp TNG giữ được lượng đơn đặt hàng ổn định trong quý 1/2023 (2 khách hàng trên chiếm 44% tổng doanh thu mảng may năm 2022 của TNG).

Chi phí lãi vay của công ty tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 năm trở lại đây, TNG dựa vào nguồn vay nợ dài hạn để nhanh chóng mở rộng chuyền may, vì vậy trong bối cảnh đơn hàng có thể sụt giảm trong những quý tới, gánh nặng lãi vay có thể mang tới khó khăn về dòng tiền.

TNG chia sẻ tình hình tồn kho của DCL vẫn ở mức cao, vì vậy có một số mã hàng DCL delay giao hàng từ quý 1/2023 sang quý 2/2023. Trong ngắn và trung hạn, DCL có chiến lược tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường Trung Quốc.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt, biên lợi nhuận gộp của TNG khó có thể bật tăng trong năm 2023 do doanh nghiệp đang chủ trương giảm giá bán nhằm giữ đơn hàng. TNG có biên lợi nhuận gộp ở mức trung bình ngành, do doanh nghiệp chủ yếu sản xuất các sản phẩm quần áo mặc thường ngày (casual wear) và quần áo thể thao (như áo jacket, quần áo trẻ em, quần áo nỉ, v.v.). Phân khúc sản phẩm trên có biên lợi nhuận gộp thấp hơn các sản phẩm cao cấp như áo suits, veston.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại