Trung bình thời gian khách làm thủ tục và chờ lên máy bay đi nội địa kéo dài khoảng 1 giờ. Với thời gian lưu lại sân bay như vậy, khách có nhiều lựa chọn sử dụng dịch vụ ăn uống tại sân bay, trong các phòng chờ. Thực phẩm ở các khu vực này thường khá đa dạng, gồm các loại đồ ăn liền hay đã được chế biến sẵn.
Là doanh nghiệp duy nhất tại sân bay Nội Bài kinh doanh dịch vụ phòng khách hạng thương gia có thiết kế và nội thất đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, doanh thu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (NASCO) đến khoản lớn từ dịch vụ ăn uống, nhà hàng phục vụ hành khách khi chờ bay.
Phòng chờ First Lounge của Bamboo Airways
NASCO là công ty con của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, hiện Vietnam Airlines nắm giữ 51% cổ phần. Tổng diện tích kinh doanh của NASCO chiếm 36% tổng diện tích mặt bằng kinh doanh phí hàng không; dịch vụ nhà hàng ăn uống chiếm 36% diện tích kinh doanh tại nhà ga T1. Phòng chờ hạng thương gia của Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài hiện có chi phí trung bình khoảng 300.000 đồng.
Giai đoạn 2011 đến 2019, NASCO luôn đạt mức tăng trưởng ổn định, ghi nhận doanh thu hơn 500 tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt bứt phá vào năm 2014 (617 tỷ đồng) nhờ hưởng lợi từ nhu cầu bay của khách hàng.
Tuy nhiên trong 2 năm vừa qua do tác động của đại dịch khiến toàn ngành hàng không ngưng trệ, năm 2021, doanh thu công ty giảm 26% so với năm trước đạt 251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng.
Doanh thu mảng nhà hàng, dịch vụ sân bay của NASCO cũng theo đó giảm sút đáng kể. Năm 2021, NASCO chỉ thu về 56 tỷ đồng từ mảng này, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó năm 2019, dịch vụ nhà hàng của NASCO tại Nội Bài đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử, ở mức 265 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng doanh thu của NASCO.
Phòng chờ hạng thương gia của SASCO
Ở đầu cầu phía Nam, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vốn được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay vừa từng bước mở rộng sang dịch vụ cung ứng suất ăn đường sắt, resort.
Cơ cấu cổ đông hiện tại của SASCO ngoài cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (49,07%), có 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Địa bàn hoạt động của SASCO chủ yếu ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Cam Ranh mở rộng, ngoài ra công ty cũng thực hiện kinh doanh dịch vụ tại Phú Quốc với một resort Sasco Blue Lagoon.
Được biết đến là "ông vua" kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam nhưng thực tế thì lợi nhuận các công ty kinh doanh thời trang, mỹ phẩm cao cấp của ông Hạnh Nguyễn lại có lợi nhuận kém xa so với SASCO.
Trước đại dịch, các sân bay trên luôn trong tình trạng quá tải công suất và rất đông hành khách quốc tế. Nhờ đó, SASCO có kết quả kinh doanh tăng trưởng đều trong giai đoạn 2013-2018 và thực sự bứt phá trong quý 2/2019.
Cụ thể năm 2019, SASCO đạt doanh thu ấn tượng với 2.895 tỷ đồng - kết quả khởi sắc nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị này chỉ đạt 321 tỷ đồng doanh thu năm 2021 - mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động.
Các cửa hàng miễn thuế, dịch vụ nhà hàng tại sân bay của SASCO do vắng bóng khách hàng cũng bị sụt giảm doanh thu đáng kể. Năm 2020, cửa hàng miễn thuế của SASCO đạt doanh thu 375 tỷ đồng, mảng nhà hàng đạt 162 tỷ đồng.
Trước đó, giai đoạn 2015-2019, đây là những "con gà đẻ trứng vàng" của ông Jonathan Hạnh Nguyễn với doanh thu cao và tăng trưởng đều từng năm.
Phòng chờ ga nội địa Tân Sơn Nhất hiện có giá khoảng 350.000 đồng.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế và ghi nhận những tín hiệu ''hồi sinh'' từ du lịch, các dịch vụ nhà hàng ở sân bay được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại, tiếp tục mang lại doanh thu cao cho các công ty kinh doanh loại hình này sau 2 năm thu về nguồn tài chính ảm đạm.