Đắk Lắk vào cao điểm mùa khô, nhiều hồ đập, sông suối, ao hồ đã cạn trơ đáy, nguy cơ hàng nghìn ha cây trồng bị khô hạn, mất trắng và tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra ở nhiều địa phương.
Theo ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, dù mới bước vào mùa khô, nhưng nhiều hồ, đập chứa đã cạn kiệt nước tưới.
Nhiều diện tích lúa người dân phá bỏ cho gia súc ăn.
Cụ thể, trong tổng số 240 hồ chứa đơn vị quản lý vận hành thì chỉ có 26 hồ có mực nước dâng bình thường so với thiết kế; 71 hồ ở đạt mực từ 70 đến 90%, 142 hồ đạt 50 đến 60%, còn lại đã cạn trơ đáy.
Ngoài ra, các công trình thuộc quyền quản lý của UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng không còn đạt lượng nước tích ở mức bình thường, 1/3 số công trình không còn khả năng phục vụ tưới tiêu.
Điều này đã làm cho trên 5.000 ha cây trồng các loại bị khô hạn, hàng trăm hộ dân đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Ông Trần Thế Hoan cho biết, hiện công ty đang thực hiện việc chống hạn ở các huyện: Lắk, Cư M'gar, Cư Kuin, Ea Hleo, Krông Bông, Buôn Đôn và Ea Súp.
Công ty đã sớm có văn bản chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc thực hiện việc nạo vét lòng hồ, khơi thông dòng chảy; khuyến cáo người dân thực hiện việc tưới tiết kiệm. Đồng thời, rà soát những khu vực hạn hán để có phương án hỗ trợ kinh phí cho người dân mua xăng, dầu, điện để bơm nước tưới chống hạn cho cây trồng.
Năm 2020 là năm nhuận, có tới hai tháng 4 âm lịch nên sẽ kéo dài thêm 30 ngày, nếu không có mưa sớm thì tình hình hạn hán ở Đắk Lắk sẽ diễn ra khốc liệt hơn những năm trước./.