UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo gửi Bộ Nội vụ về tình hình thôi việc và tuyển mới đối với công chức , viên chức từ 1-7-2022 đến ngay 30-4-2023.
Tình trạng công chức, viên chức tại Quảng Ninh xin thôi việc có chiều hướng gia tăng.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, những công chức, viên chức xin thôi việc đa số đều có năng lực, trình độ, kinh nghiệm công tác.
Chỉ tính từ ngày 1-7-2022 đến 30-4-2023, tại tỉnh Quảng Ninh đã có 217 trường hợp xin nghỉ việc. Trong số này có 19 công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh và 198 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.
Cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng chủ yếu có trình độ đại học trở lên, trong độ tuổi tương đối trẻ (dưới 40 tuổi).
Việc công chức, viên chức nghỉ việc do một số nguyên nhân như: Chưa có cơ chế trả lương theo năng lực, theo sản phẩm, kết quả thực hiện nhiệm vụ nên thiếu sự bình đẳng, chưa tạo được động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự, số lượng cấp phó đang thừa ở một số cơ quan, đơn vị, nên dẫn đến tình trạng nhiều công chức, viên chức có trình độ, có năng lực và kinh nghiệm công tác nhưng không có cơ hội được bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo quản lý nên đôi khi ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu, rèn luyện của công chức, viên chức.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, để khắc phục tình trạng công chức, viên chức nghỉ thôi việc và kịp thời bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các kỳ tuyển dụng công chức, viên chức bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, từ 1-7-2022 đến 30-12-2022, địa phương này đã tuyển dụng được 10 công chức làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước; 362 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, trong đó phần lớn là vào ngành y tế và giáo dục - đào tạo.
Tuy nhiên, số lượng hồ sơ thí sinh dự tuyển còn thấp, kể cả hai ngành trọng yếu là y tế và giáo dục - đào tạo. Cụ thể, đối với kỳ tuyển dụng viên chức y tế chỉ có 224/511 chỉ tiêu có hồ sơ dự tuyển (chiếm 42,83%); đối với kỳ tuyển dụng viên chức khác có 220/362 chỉ tiêu có hồ sơ dự tuyển (chiếm 60,77%).