'Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường'

Quốc Minh |

BAIC Changhe Q7, mẫu xe từng gây chú ý tại Việt Nam đã ngừng sản xuất tại Trung Quốc do gặp một loạt lỗi và hỏng hóc sau thời gian ngắn sử dụng khiến người tiêu dùng quay lưng.

Trong bất cứ ngành công nghiệp nào, tích lũy công nghệ lõi là vô cùng cần thiết, và điều này càng quan trọng hơn đối với ngành công nghiệp ô tô.

Trung Quốc có ngành công nghiệp ô tô bắt đầu muộn hơn nhiều năm so với những quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, hay Nhật Bản. Vì thế, công nghệ lõi trong ngành này của quốc gia tỷ dân không nhiều, dẫn tới việc nhiều thương hiệu nhái sản phẩm của các hãng xe danh tiếng để "đi tắt đón đầu".

Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 1.

BAIC Changhe Q7 đã ngừng sản xuất tại Trung Quốc.

Dù vậy, trong những năm gần đây, các thương hiệu ô tô Trung Quốc bắt đầu dần hình thành ngôn ngữ thiết kế riêng, chẳng hạn như BYD, Changan, Geely hay Haval và được ưa chuộng bởi người chính người dân Trung Quốc.

Nhưng song song với đó là không ít những thương hiệu vẫn còn đạo nhái sản phẩm để tồn tại, rồi dần dần biến mất trên thị trường, điển hình như BAIC Changhe Q7.

Q7 là một sản phẩm của Changhe (tên chính thức là Jiangxi Changhe), một thương hiệu con của BAIC.

Ngay từ cái tên, người tiêu dùng đủ biết chiếc xe được lấy ý tưởng từ mẫu Audi Q7, nhưng thiết kế bên ngoài lại được lấy cảm hứng từ dòng xe Land Rover Range Rover đến từ Anh Quốc. Dường như, nhà sản xuất muốn nhồi nhét càng nhiều thương hiệu nước ngoài vào chiếc xe càng tốt.

Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 2.
Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 3.

Dòng xe Land Rover Range Rover là bản gốc của BAIC Changhe Q7.

Ngoại hình của chiếc xe khá đẹp với lưới tản nhiệt dạng sóng đặc trưng của Range Rover, cùng với đầu xe thiết kế vuông vức, dày và đèn pha hình chữ nhật.

Dòng chữ "Range Rover" phía trên lưới tản nhiệt được hãng xe Trung Quốc thay thế bằng dòng chữ "Changhe", và nó đã được gỡ bỏ khi doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân mang về Việt Nam phân phối. Nhiều người am hiểu về xe rất có thể nhầm lẫn, và nghĩ rằng đây là một chiếc Range Rover.

Thiết kế khoang cabin hình hộp, cột D chéo và mái phẳng là những đặc trưng của Range Rover được mang lên BAIC Changhe Q7. Nếu như ngoại thất đạo nhái là chủ yếu, thì nội thất có có nhiều nét riêng hơn.

Tờ Xcar của Trung Quốc bình luận: "Chiếc xe có một màn hình cảm ứng đặt ở trung tâm kích thước lớn giúp khoang cabin trông sang trọng hơn, nhưng phản hồi khá chậm chạp. Bấm vào menu cần phải đợi vài giây.

Chất lượng nội thất cũng tệ, đường chỉ may không đều, các phím bấm lỏng lẻo. Nhìn từ xa, nội thất của BAIC Changhe Q7 khá tốt, nhưng khi nhìn gần và trực tiếp trải nghiệm thì hoàn toàn ngược lại".

Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 4.

Về sức mạnh, chiếc xe vẫn sử dụng động cơ 1.5T cũ của nhà máy Mitsubishi tại Thẩm Dương (Trung Quốc), cho công suất 150 mã lực. Động cơ này, theo tờ Xcar, không những yếu hơn rất nhiều so với động cơ 1.5T chính gốc mà còn ngốn nhiên liệu nhiều hơn, khoảng 10 l/100km.

Giống như nhiều mẫu xe đạo nhái khác, BAIC Changhe Q7 nổi lên như một hiện tượng khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2017, và sớm biến mất trên thị trường. Mẫu xe này hướng đến mọi lứa tuổi, đạt được doanh số vài nghìn xe mỗi tháng, tháng đỉnh điểm đạt 3.100 xe rồi bắt đầu tụt dốc. Hiện tại, thống kê doanh số hàng tháng tại Trung Quốc không còn sự xuất hiện của BAIC Changhe Q7.

Lý do thất bại của dòng xe này được Xcar lý giải: "Công nghệ của chiếc xe không thực sự tốt, động cơ cũ không đủ mang lại hiệu suất ấn tượng, và sau 3 năm sử dụng, BAIC Changhe Q7 gặp những vấn đề giống một chiếc xe đã 10 năm tuổi."

Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 5.

Nhiều chủ xe BAIC Changhe Q7 phản ánh khung gầm xe bị rỉ sét, lỗi màn hình trung tâm, cửa sổ trời rò rỉ nước, hộp số chảy dầu và một loạt các vấn đề khác. Nhưng điểm đáng nhắc tới hơn nữa, là hệ thống cửa hàng dịch vụ sau bán hàng của Changhe không nhiều, kết quả là người tiêu dùng khó tìm được nơi để sửa chữa, bảo hành theo diện chính hãng.

"Hành động của hãng xe này không khác gì lừa dối khách hàng một cách vô hình", tờ Xcar viết. "Thậm chí, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc phản ánh, họ cảm thấy xấu hổ mỗi khi cầm lái chiếc xe ra đường".

Nhiều chủ xe cảm thấy xấu hổ khi lái BAIC Changhe Q7 ra đường - Ảnh 6.

BAIC Changhe Q7 Elite tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, BAIC Changhe Q7 đã ngừng sản xuất dù chưa bước sang tuổi thứ 3, và có tin đồn hãng xe này vẫn còn một lượng xe tồn kho chưa tiêu thụ hết. Ở thời điểm mới ra mắt, xe có giá bán 13.800 USD (khoảng 321 triệu đồng).

Tờ Zhihu bình luận: "Cơ bản, BAIC Changhe Q7 nhắm tới nhóm khách hàng mục tiêu ở nông thôn, nhưng nếu không có ngoại hình giống Land Rover, thì trên mạng không ai biết đến BAIC Changhe Q7".

BAIC Changhe Q7 về Việt Nam vào năm 2018 với giá bán 658 triệu đồng, thu hút rất nhiều sự chú ý từ phía người tiêu dùng. Đến giữa năm 2019, nhà nhập khẩu tư nhân tiếp tục đưa về phiên bản rút gọn Elite với giá bán 588 triệu đồng. Cho đến nay, BAIC Changhe Q7 bản tiêu chuẩn đã hết hàng, trong khi bản Elite giảm giá còn 498 triệu đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại