Nhiều cán bộ sau khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc

Luân Dũng |

Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét, mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 14, cho ý kiến, thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2024.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết việc kiểm soát tài sản , thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tiếp tục được chú trọng, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Nhiều cán bộ sau khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường

Báo cáo cho thấy năm 2024, có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tiến hành nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2023, nhưng số vi phạm được phát hiện tăng không đáng kể.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản , thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Theo ông Cường, thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét, mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều.

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được khắc phục triệt để. Cạnh đó, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn diễn ra.

Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, hoạt động ngân hàng ... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Điển hình là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An…

Theo nhóm nghiên cứu, tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức.

Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị, khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai , xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại