Ngày 13/3, chính quyền bang Washington, với sự ủng hộ của các bang California, Maryland, Massachusetts, New York và Oregon đã đề nghị Thẩm phán liên bang James Robart của thành phố Seattle đình chỉ sắc lệnh mới. Ông Robart chính là vị thẩm phán đã ra phán quyết chặn sắc lệnh nhập cảnh cũ của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, bang Hawaii cũng đã đệ đơn kiện sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mới của Tổng thống Trump lên một thẩm phán tại bang Maryland. Dự kiến phiên điều trần của cả 2 vụ kiện sẽ diễn ra trong ngày 14/3.
Chính phủ Mỹ đã đệ đơn phản đối đơn kiện của chính quyền bang Hawaii, khẳng định sắc lệnh cấm nhập cảnh là "quyền lực hợp pháp của tổng thống" trong việc ngăn chặn các phần tử nước ngoài vào lãnh thổ Mỹ.
Trước đó, ngày 27/1, Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh hành pháp đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, đồng thời cấm công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Sắc lệnh này đã gây ra tình hình hỗn loạn tại nhiều sân bay của Mỹ, làm dấy lên làn sóng phản đối cả trong và ngoài nước cũng như "khơi mào" cho một "cuộc chiến pháp lý" giữa chính quyền Tổng thống Trump và ngành tư pháp Mỹ. Để khắc phục tình trạng này, Tổng thống Trump sau đó đã có những điều chỉnh và công bố sắc lệnh nhập cảnh mới hôm 6/3.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra và Bộ trưởng Tư pháp bang New York Eric Schneiderman cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp lại, nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.
Bộ trưởng Tư pháp bang Washington Bob Ferguson chỉ trích Chính phủ Mỹ đã cố tình "lách" phán quyết của tòa khi tiếp tục giữ lại trong sắc lệnh mới một số chính sách mà tòa đã ra lệnh cấm thi hành ở văn bản cũ.
Nhà Trắng lập luận sắc lệnh hạn chế nhập cảnh là biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ.