Nhật thúc giục châu Âu tăng hiện diện quân sự ở châu Á để đối phó Trung Quốc

Bình Giang |

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản vừa thúc giục các nước châu Âu có hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương, trong bối cảnh Tokyo đang nỗ lực đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi. (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu đầu tiên trước tiểu ủy ban an ninh quốc phòng của Nghị viện châu Âu ngày 18/6, ông Nobuo Kishi kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) củng cố cam kết của mình đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hai bên “tiếp tục mở rộng” hợp tác an ninh.

“Với tư cách bộ trưởng quốc phòng, tôi đánh giá cao quan điểm mà chiến lược của EU đề ra về việc tăng cường hiện diện và hành động ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tôi chân thành hy vọng sự tham gia đó sẽ tiếp tục và mở rộng, và sẽ có thêm các hành động tiếp nối”, ông Kishi nói.

Một nguồn tin gần gũi với giới hoạch định chính sách quốc phòng Nhật Bản nói rằng bài phát biểu này là một phần trong nỗ lực của Tokyo nhằm tranh thủ EU để gây thêm sức ép với Bắc Kinh .

“Nhật Bản hy vọng nhân dịp này sẽ thuyết phục EU can dự nhiều hơn vào khu vực. Chuyến thăm của tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth đến Nhật Bản trong năm nay sẽ gây áp lực rất lớn lên Trung Quốc”, nguồn tin nói.

Tàu sân bay Anh sẽ dẫn đầu một hạm đội của hải quân hoàng gia Anh đến châu Á trong năm nay, trong đó sẽ có các chuyến thăm cảng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ đi qua Biển Đông, tiến hành các hoạt động diễn tập chung với lực lượng của Nhật, Úc, Canada, Hàn Quốc, New Zealand và một số nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp và Ý.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng” trên biển Hoa Đông, nhất là việc áp dụng luật hải cảnh mới từ tháng 1 năm nay.Trong bài phát biểu, ông Kishi chỉ trích Bắc Kinh vì “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cách cưỡng ép” và những nỗ lực nhằm quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông .

“Không được làm suy yếu quyền lợi chính đáng của các quốc gia liên quan bằng luật hải cảnh, và chúng tôi không bao giờ có thể chấp nhận bất kỳ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng trên những vùng biển như biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cũng khẳng định Tokyo sẽ “tiếp tục để mắt” đến thay đổi về cán cân quân sự ở eo biển Đài Loan.

Liu Weidong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng Nhật Bản có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những tháng gần đây.

“Nhật Bản thấy rằng ông Biden không đảo ngược chính sách cứng rắn thời Trump đối với Trung Quốc. Và họ thấy không còn nhu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Suga cũng cần thể hiện hình ảnh quốc tế cứng rắn để củng cố sự ủng hộ trong nước”, GS Liu đánh giá.

Tuy nhiên, ông Liu cho rằng các nước châu Âu có thể không hoàn toàn về phe Nhật Bản trong hy vọng tạo ra một mặt trận thống nhất để đối phó Trung Quốc .

“Nhật Bản muốn gây sức ép với Trung Quốc, nhưng đó có thể là mong muốn một phía. Khác với Nhật, EU không muốn làm theo quá nhiều chiến lược của Mỹ và hy sinh hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc”, GS Liu đánh giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại