Quân đội Trung Quốc (PLA) không chỉ đẩy mạnh tuần tra vũ trang bằng tàu hải cảnh quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản, mà đang tăng cường bành trướng sự hiện diện của hải quân và không quân nước này trên biển Hoa Đông.
Song song với giải quyết vấn đề năng lực tàu sân bay, quân đội Trung Quốc cũng đặt 2 mục tiêu chiến lược lớn khi gia tăng đầu tư cho các căn cứ tại đại lục của mình.
Mục tiêu đầu tiên là củng cố "lưới phòng hộ" chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm vào hành động quân sự của liên minh Mỹ-Nhật Bản trong "tình huống khẩn cấp" trên biển Hoa Đông.
Thứ hai là mở rộng "cổng vào" vùng biển quốc tế ở Tây Thái Bình Dương cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh duy trì khả năng tranh giành các lợi ích quốc gia trên biển.
Theo NI, cho đến nay các biện pháp bành trướng của Bắc Kinh đang cho thấy hiệu quả "chậm mà chắc".
Trong tương lai gần, PLA sẽ tiếp tục nâng cao sức mạnh quân đội chính quy nhằm thu hẹp khoảng cách với quân đội Mỹ, Nhật.
Nhật Bản cần "học" Trung Quốc để ngăn Bắc Kinh bành trướng ở biển Hoa Đông? (Ảnh minh họa: Sina)
Nhật Bản có thể học chiến lược "chống can thiệp" của Trung Quốc
Tạp chí của Mỹ chỉ ra, dù sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ và đồng minh bất an, nhưng A2/AD trên thực tế là một chiến lược hai chiều.
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình, tạo rào cản trực tiếp đối với hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.
Theo đó, từ các quần đảo ở phía Tây Nam Nhật Bản, JSDF có thể xây dựng mạng lưới phòng ngự đa tầng hoặc "phòng ngự hình quạt", bao gồm hệ thống tên lửa chống hạm, chống tàu ngầm, tàu nổi, các loại thủy lôi và máy bay chiến đấu...
Việc Trung Quốc công khai tuyên bố không giảm cường độ hoạt động hàng hải của các tàu của chính phủ cũng như ngư dân ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã khiến Tokyo lo ngại.
Để đáp lại, Nhật Bản đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại biển Hoa Đông như lắp radar, củng cố lá chắn tên lửa nhằm tăng khả năng đối phó với các "sự cố ngoài ý muốn".
NI cho hay, đây là những bước đầu tiên hướng JSDF đến một chiến lược A2/AD khả thi.
Hiện Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có kế hoạch cho phép quân đội bố trí hệ thống giám sát kể trên ở toàn bộ chuỗi đảo.
Dù gọi là "giám sát", nhưng các căn cứ tiền tiêu được lệnh trang bị các tổ hợp tên lửa chống hạm và phòng ngự trên không, nhằm tăng cường sức mạnh A2/AD.
Hồi tháng 3/2016, lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) đã triển khai một trạm radar trinh sát trên đảo Yonaguni, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trạm có khả năng giám sát hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Hoa Đông và thậm chí cả khu vực phía bắc Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đang bành trướng ngang ngược và tuyên bố chủ quyền phi pháp với 80% diện tích.
Thông tin thu được từ Yonaguni có thể sử dụng trong các hoạt động quân sự.
Trạm radar trên nằm trong kế hoạch triển khai các lực lượng an ninh và đổ bộ của quân đội Nhật ở các đảo phía Tây Nam nước này.