Nhật ký Trường Sa và hồi ức Gạc Ma của một cựu binh

Thuận Hóa |

Với những cựu binh, dù trực tiếp hay gián tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thì sự kiện ngày 14/3/1988 vẫn luôn hằn sâu trong ký ức của họ.

Nhật ký Trường Sa và hồi ức Gạc Ma của một cựu binh - Ảnh 1.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma.

Dưới đây là trích nhật ký ghi nhật trình trở lại Gạc Ma, Trường Sa sau hàng chục năm của một cựu binh, người đã sống ở trong những thời khắc bi tráng nhất của dân tộc khi sự kiện CQ-88 xảy ra.

Chủ nhật, ngày…

Sáng 3h đã dậy vì không ngủ được. Lên nóc tàu ngắm cảnh đảo Nam Yết. Nam Yết là đảo cao nhất quần đảo Trường Sa, có nhiều dừa, nhiều cây mù u cổ thụ, và nhất là cây bàng vuông đặc trưng nơi đầu sóng ngọn gió.

Ăn sáng xong ra xuồng lên đảo. Đi bằng xuồng chuyển tải nên không bị nhồi lắc mạnh như hôm qua.

Đi viếng nghĩa trang liệt sĩ Nam Yết, có tất cả 6 ngôi mộ, nhưng 7 bộ hài cốt. Theo lời một cán bộ chính trị, trong quá trình đào kiểm tra quanh đảo, bộ đội ta phát hiện một thùng phuy, trong có 2 bộ hài cốt, có dải mũ lính thủy. Khi xem xét kỹ, mọi người đều cho rằng họ là lính chế độ cũ, nhưng đã chết khi trấn giữ lãnh thổ tổ quốc Việt Nam, nên đã mai táng trang trọng bên cạnh nghĩa trang liệt sỹ hải quân. Khi thắp hương anh em ta thì cũng thắp hương cả cho họ .

Chính trị viên cụm chiến đấu 1, Thiếu ta Bùi Văn Thành (sinh năm 1973) có vợ làm ở Trung tâm y tế xã ở quê, có hai con, một đứa lớp 5, một đứa 6 tuôi. Thành nói, đảo có sóng Viettel, thường xuyên điện thoại với vợ con hàng ngày nên cũng đỡ nhớ.

Kế hoạch thay đổi: văn công biểu diễn chiều thay vì buổi tối và trở về tàu…

Thời tiết đẹp, sáng mai tàu mới nhổ neo đi đảo Sinh Tồn.

Tối diễn ra cuộc giao lưu văn nghệ giữa các thành phần đoàn công tác với các thủy thủ tàu HQ 996. Thật là một đêm khó quên!

Giữa mênh mông trời nước, một buổi liên hoan văn nghệ diễn ra ngay trên boong tàu. MC là Quang Minh của VTV3 và Hoàng Hà của trường Đại học VHNT Quân đội. Tốp ca nữ của Đại học VHNT Quân đội mở đầu, sau đó là các tiết mục của HQ996, Cục Hàng không, VTV3.

Trung tướng Đào Duy Minh gây ấn tượng với ca khúc “Đà Nẵng yêu thương”, màn múa phụ họa của BTV Vũ Thanh Hường. Các ca sỹ của VTV3 khiến cả tàu cười nghiêng ngả với các tiết mục ca – múa “Gửi em ở cuối sông Hồng” và “Trống cơm”.

Các thành viên đoàn Nhà xuất bản CTQG Sự thật góp vui bằng tiết mục tấu “Mộng Ngọc kén chồng”. Đoàn cán bộ quân đội gây ấn tượng mạnh bởi những tốp ca khỏe khoắn như “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” và “Bài ca Trường Sơn”…

Thứ Hai, ngày…

Hôm nay đến đảo Sinh Tồn

Sáng 6h30 mọi người bắt đầu đổ bộ lên đảo. Rút kinh nghiệm bữa trước, mọi người tranh nhau xuống xuồng để có thời gian ở trên đảo lâu hơn, chỉ huy đoàn đọc danh sách từng xuồng nên việc lên đảo diễn ra trật tự.

Sau chào cờ, cả đoàn ra mắt, tặng quà rồi tỏa đi theo kế hoạch riêng.

Dự kiến, sáng ngày hôm sau tàu nhổ neo đi Cô Lin. Khi tàu đi ngang vùng biển diễn ra trận chiến không cân sức khi xưa, Đoàn công tác sẽ làm lễ thả hoa, tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh.

Mọi hôm, khi tàu phát lệnh tắt đèn đi ngủ, mấy anh em trong phòng chỉ trò chuyện một lát là mình chìm vào giấc ngủ bất chấp rung lắc bởi những con sóng mạnh. Vậy mà hôm nay, tàu neo đậu, sóng yên biển lặng mà cả phòng đều không ngủ. Mình thao thức, những kỉ niệm về “Sự kiện Gạc Ma” năm xưa lại ùa về…

Hồi đó, mình mang quân hàm Đại úy, trợ lý một Phòng nghiên cứu thuộc Tổng cục Chính trị. Tình hình biên giới phía Bắc khi đó vẫn căng thẳng, cuộc chiến đấu chống lấn chiếm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên vẫn chưa kết thúc, tuy mức độ không còn ác liệt.

Sáng 19/4/1988, 3 người may mắn được chọn là đại úy Đỗ Ngọc Bình – anh bạn cùng Phòng và đại úy Đinh Xuân Bình cùng thiếu úy Bùi Quang Tiến ở Đội TTĐB, được giao nhiệm vụ.

Nhật ký Trường Sa và hồi ức Gạc Ma của một cựu binh - Ảnh 3.

Đại úy Đỗ Ngọc Bình bên cờ chủ quyền ở Cô Lin, tháng 4/1988.

Khi đó Đỗ Ngọc Bình đã giấu không cho vợ là giáo viên và con gái nhỏ mới 2 tuổi biết mình đi Trường Sa; còn anh Đinh Xuân Bình cũng giấu mẹ già và đến ngày 24/6/1988, khi trở về đất liền, anh mới biết mẹ đã mãi mãi đi xa từ hơn 1 tháng trước.

Suốt thời gian anh em đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, những người ở lại rất nóng lòng. Thông tin không nhiều, chỉ biết tin đồng đội qua giao ban vắn tắt, đại khái “vẫn khỏe, công tác tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, và quan trọng hơn cả là chúng ta giữ vững được Cô Lin, Len Đao ngay cạnh bãi Gạc Ma.

Sau 3 tháng trực tiếp cùng đồng đội ở các lực lượng khác bảo vệ vững chắc và xây dựng các công trình ở Cô Lin, Len Đao, tổ công tác đã trở về, ai nấy đen sạm, nhưng đều rất rắn rỏi, khỏe mạnh.

Trong hơn 3 tháng bám trụ Cô Lin – Len Đao, tổ công tác được chia ra làm nhiệm vụ trên 2 tàu trực HQ-614 và HQ-188. Giàn loa OZC78 đi theo anh Đinh Xuân Bình sang tàu HQ-188 làm nhiệm vụ còn Đỗ Ngọc Bình ở tàu HQ-614 trực bảo vệ Cô Lin phải sử dụng loa pin để đấu khẩu.

Mỗi khi tàu Trung Quốc áp sát, anh em phải nhanh chóng triển khai loa máy và đứng hẳn ra ngoài, cầm micro nói bằng tiếng Trung, loa mở hết cỡ: "Đây là vùng biển Việt Nam, các anh đã vi phạm chủ quyền chúng tôi, yêu cầu rời khỏi đây ngay lập tức".

Có lần anh Đinh Xuân Bình cùng tàu đi tuần tra, trinh sát phát hiện thấy Trung Quốc thả “phao đánh dấu chủ quyền” ở bãi cạn Ba Đầu, thì đối phương chạy đến ngăn cản. Hai tàu Trung Quốc chạy đến ép sát ta. Anh Bình lập tức nói bằng tiếng Trung: “Tàu Trung Quốc tránh ra. Nếu còn đặt vật thể lạ, chúng tôi sẽ tiếp tục phá bỏ”.

Ngày nào cũng gặp và bị tàu Trung Quốc khiêu khích. Tương quan lực lượng không cân sức. Có lần tàu vận tải đổ bộ Trung Quốc chạy tốc độ cao bất ngờ áp sát tàu HQ-614 lính trên tàu chĩa súng đe dọa, Đỗ Ngọc Bình dùng loa pin thét lớn bằng tiếng Trung: “Cảnh cáo các anh đã có hành động khiêu khích quân sự”.

Anh Đinh Xuân Bình nói, những lúc căng thẳng đối đầu với tàu Trung Quốc, anh em lại nhìn vào xác tàu HQ-505 ủi bãi còn nằm trên Cô Lin để động viên nhau: mấy chục anh em vừa hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mình càng không thể sợ hãi, sờn lòng…

Thứ Ba, ngày...

Sáng 3h dậy vệ sinh cá nhân. 4h lên nóc tàu ngắm cảnh Sinh Tồn trong đêm. 4h30 tàu nhổ neo đi Cô Lin. 6h làm lễ viếng 64 liệt sỹ đã hy sinh ở khu vực biển Cô Lin – Gạc Ma. Trời mây vần vũ, cơn mưa giông đang kéo đến ầm ầm bỗng chuyển hướng.

Anh em thủy thủ HQ-996 nói, đã bao nhiêu lần các đoàn công tác làm lễ viếng đều không bao giờ bị mưa, dù trời đang giông bão thì khi làm lễ cũng tạnh.

Có gì đó rất thiêng liêng, rất lạ. Mọi người xếp hàng theo từng tổ trước bàn thờ dựng tạm với bát hương, nhiều hoa tươi và vòng hoa kết bằng hoa nhựa, các cô gái trẻ gấp rất nhiều hạc giấy đặt lên bàn thờ.

Anh Minh chủ lễ, anh Chấn đọc diễn văn, rất xúc động, nhiều người rưng rưng nước mắt, sau nhiều chị em không kìm nén nổi, òa khóc. Sau bài diễn văn, mọi người lần lượt thắp hương. Rồi lễ thả bát hương và vòng hoa bắt đầu. Không hiểu vì sao, hương hoa trôi thẳng về phía Gạc Ma, nơi các anh hy sinh.

Cơn mưa giông sớm bỗng nổi lên dữ dội khi mọi người đã quay vào phòng chờ đợi thủy triều lên để xuống xuồng vào đảo.

Nhật ký Trường Sa và hồi ức Gạc Ma của một cựu binh - Ảnh 5.

Tác giả ở đảo chìm Cô lin, Trường Sa.

Trời đã tạnh nhưng sóng khá to, việc xuống xuồng rất khó khăn. Anh em ở tàu phải tập trung đỡ từng người một. Mình nằm trong danh sách số 80 người được lên đảo. Do đã năm chắc yếu lĩnh nên mình xuống xuồng khá dễ dàng.

Khoảng 11h, tàu nhổ neo rời Cô Lin đi Trường Sa Đông. Đến lúc này mình và mọi người trong Đoàn vẫn rất khỏe mạnh…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại