"Nhật ký cách ly" bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà!

M416 |

Thay vì tỏ ra ngột ngạt hay sợ hãi trong khu cách ly, Thùy Linh chọn cách đón nhận khoảng thời gian 14 ngày này với tâm thế lạc quan nhất.

Cách ly là khái niệm chẳng còn xa lạ gì khi mùa dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Đây là nghĩa vụ và trách nhiệm bạn cần thực hiện nghiêm chỉnh nếu từng đi qua vùng dịch hay tiếp xúc gần với người nhiễm/nghi nhiễm.

Trong số đó, so với cách ly tại nhà thì cách ly tập trung thoạt nhìn sẽ khiến người ta cảm thấy ngần ngại hơn cả. Lý do là vì trong thời gian 14 ngày ròng rã, bạn sẽ phải sinh hoạt trong một không gian xa lạ, không được ở cạnh người thân, điều kiện không được như ở nhà...

Đó là còn chưa kể đến chuyện công việc, học hành hay các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ... Tuy nhiên, người ta vẫn nói đấy thôi, thái độ của bạn quyết định mọi việc. Khi bạn nhìn nhận sự việc với một tâm thế khác, ắt hẳn chuyện cách ly cũng chẳng đáng sợ (nếu không muốn nói là vui) chút nào.

Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 1.

"Nhật kí cách ly" dễ thương nhất hôm nay thuộc về cô nàng Đỗ Thùy Linh đến từ Hà Nội

Mới đây, cư dân mạng đã chia sẻ rất nhiều về bài viết tự thuật của một cô gái có tên Đỗ Thùy Linh kể về trải nghiệm của mình ở khu cách ly sau khi trở về từ nước ngoài. "Nhật kí cách ly" của Thùy Linh không khác so với những người khác là mấy, nhưng thông điệp cô nàng muốn gửi gắm qua nó lại khiến mọi người gật gù không thôi.

Đó chính là: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà.

Nguyên văn bài viết:

Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà

Chỉ những ai từng rơi vào hoặc suýt rơi vào tình cảnh "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông" như mình thì mới hiểu "được đi cách ly" có ý nghĩa như thế nào.

Thời điểm chuẩn bị đến giờ ra sân bay từ Cebu đi Singapore để transit trước khi về Hà Nội, mình cực kì lo lắng vì có quá nhiều thông tin chuyến bay bị huỷ.

Và nếu mình rơi vào trường hợp tương tự, lang thang sân bay Changi không phải nửa ngày hay một ngày mà có thể đến vài ngày. Không chỗ ngủ tử tế, không bữa ăn đầy đủ, một trong những sân bay lớn nhất và tiện nghi nhất thế giới cũng phải đóng bớt những cửa hàng của mình vì tình hình dịch bệnh. Nhưng đó không phải vấn đề đáng sợ nhất.

Hãy nghĩ đến hàng trăm con người đến từ những đất nước khác nhau mà bạn tiếp xúc trong mấy ngày vạ vật đó, và rất có thể một trong số họ mang mầm bệnh... Nếu chữa trị ở Sing, số tiền viện phí cũng là một bài toán không hề dễ giải.

Và nếu bạn mắc kẹt ở Anh, Mỹ, Canada, Úc... hay bất kì một đất nước nào khác, việc tương tự cũng sẽ xảy ra. Vì thế, "được về cách ly" ở Việt Nam là một câu chuyện hạnh phúc, không nên bị bóp méo bởi những tiểu tiết kiểu như "chỗ ở không sạch", "cơm ăn không ngon"... từ một vài người thiếu ý thức. Bởi lẽ, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn không quay về.

11h20 hạ cánh ở Cần Thơ, sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, mình và mọi người lên xe về những điểm cách ly khác nhau.

Mình về kí túc xá trường Trung cấp Luật Vị Thanh, Hậu Giang, cách sân bay Cần Thơ khoảng 48km.

Chưa được phép bước ra khỏi toà nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm nên ấn tượng của mình về khu kí túc xá này mới chỉ gói gọn ở căn phòng mình ở. Mỗi căn kí túc xá tầm 30m2 đã bao gồm công trình phụ khép kín, có 3 chiếc giường tầng dành trọn cho 3 người cách ly, riêng phòng mình chỉ có hai người.

Cảm xúc đầu tiên của mình và chị cùng phòng là quá tuyệt vời, điều kiện cách ly vô cùng tốt. Nếu phải so với những căn phòng tiện nghi hơn nhưng 6-10 người ở chung thì mình hoàn toàn hài lòng với nơi này, bất chấp một vài hạn chế khách quan như nhiều muỗi hay tạm không có wifi.

Không hiểu sao mình không thấy phiền khi nhìn thấy chiếc hố xí xổm hay sự thiếu vắng của một vài vật dụng cần thiết khác nhưng lại bị cảm động vì chai xịt bồn cầu và chiếc chổi cọ mới toanh.

Là đơn vị tổ chức cách ly đã quan tâm chúng mình từ những thứ nhỏ nhặt nhưng thiết thực nhất, cùng với bàn chải, kem đánh răng, cốc nước, bột giặt, xà bông tắm, màn, gối và chăn. Vậy thì những thứ còn lại, chúng mình sẽ cùng nhau biến ngôi nhà tạm thời trong 14 ngày này trở nên tiện nghi và đáng sống hơn.

Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 2.
Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 3.
Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 4.
Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 5.

Màn mới tinh, còn không có dấu vết chiếc móc mà chủ nhân cũ để lại, mấy chị em mình chia nhau từng đoạn dây gai mình mang theo để mắc nó lên. Có mấy chiếc chổi, hốt rác và cây lau nhà, các phòng lần lượt lau dọn, đến giờ có muốn nằm lăn ra đất cũng chẳng phải lo nghĩ.

Chậu giặt mấy phòng dùng chung một cái, lúc nào phòng chị giặt thì phòng em nghe nhạc, lúc nào phòng em giặt thì phòng chị ngủ, có thế thôi, làm sao phải hằn học?

Dù mới chỉ một ngày thôi, nơi này cũng có hơi người hơn. Nắng và gió thốc vào làm căn phòng bừng sáng, những vệt nước do cây lau nhà để lại sớm bốc hơi, đàn muỗi lởn vởn hôm qua cũng tản đi mất. Căn phòng đơn giản nhưng sạch sẽ này sẽ là "nhà" của mình trong 14 ngày tới.

Nơi này không tiện nghi nhưng mình và nhiều người rất yêu nó. Vì trong khi tình hình hỗn loạn, có nhà nhưng chưa thể về, chỉ có nơi này tiếp nhận mình, cho mình chỗ ngủ, cho mình bữa ăn và được kiểm tra y tế, vậy còn phải đòi hỏi gì nữa?

Giống như khi xưa học văn vậy, điều đầu tiên học sinh cần quan tâm không phải cố viết cho hay mà phải viết đúng đề bài. Hay đến mấy mà lạc đề cũng là công cốc. So sánh với chuyện này thì đâu có gì khác biệt?

Khu cách ly không phải khách sạn. Điều bạn cần quan tâm là mình đã được theo dõi y tế chưa, kết quả là thế nào, mình cần làm gì để chủ động bảo vệ bản thân (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không trốn ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác trong chính khu cách ly...) chứ không phải so đo ăn với ở. Vài bạn vin vào cái cớ "chỉ nói sự thật", phân tích hay ho và nhiều dẫn chứng hùng hồn lắm, nhưng rất tiếc, bài văn này, bạn lạc đề rồi.

Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó mới trở thành nhà.

Được biết, Thùy Linh hiện đang là chuyên viên Marketing ở một công ty chuyên về thiết bị y tế. Đầu tháng 3 (8/3) vừa qua, Linh bay sang Cebu (Philippines) để học tiếng Anh trong 2 tháng nhằm hỗ trợ công việc, tuy nhiên mới sang học được 1 tuần thì Manila bùng dịch. Dù thành phố Linh đang ở còn trong tầm kiểm soát nhưng vì nhiều lý do, Linh cũng như những bạn du học sinh khác vẫn chọn cách về nước.

Biết trước về nước là sẽ phải đi cách ly tập trung nhưng Linh không lấy đó làm nỗi sợ hãi. Ngược lại, cô nàng cảm thấy rất mừng. "Phải biết là dù chủ động bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thì mình cũng đâu dám đảm bảo 100% an toàn.

Mình về nước nhỡ mang mầm bệnh, rồi người lái taxi/bus đưa mình về, hay bố mẹ, hàng xóm bị nhiễm thì sẽ rất phiền người ta, lại còn gây nguy cơ cho xã hội nữa chứ", Linh chia sẻ.

Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 6.

Linh đón nhận việc cách ly hết sức lạc quan

Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 7.

Cô nàng thậm chí còn vừa đón sinh nhật trong khu cách ly cùng các bạn

Cô nàng cũng đã lên kế hoạch cho quãng thời gian cách ly này một cách hết sức chu đáo rồi. Vì có mang theo máy ảnh nên Linh dự định sẽ ghi lại cuộc sống ở đây để mọi người cùng biết cách ly văn minh là như thế nào.

Đồng thời, cô nàng cũng muốn dành thời gian để tập thể dục, đọc sách, nghe nhạc, ngủ... - những việc trước giờ vì bận nên Linh chưa làm được thường xuyên. Điều bất tiện duy nhất Linh cảm thấy hiện tại chính là vì phòng cách ly của cô nàng chưa có wifi để làm việc, tuy nhiên Linh cho biết mình sẽ tự tìm cách khắc phục.

Nói chung, mọi chuyện rồi sẽ ổn!

Nhật ký cách ly bao dễ thương: Nếu bạn đối xử với nơi cách ly như là nhà, nơi đó sẽ trở thành nhà! - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại