Kỹ thuật và giọng hát của một thạc sĩ, trung tá, giảng viên thanh nhạc
Sở hữu giọng nữ trung trầm, dày và có độ sâu nên giọng hát của Nhật Huyền rất hợp với những bản tình ca lắng đọng, suy tư, hoài niệm. Với "Hà Nội, Ngày…tháng…năm...", cô chứng minh cho khán giả thấy sự đa màu sắc của mình khi thể hiện dòng nhạc trữ tình.
Là một thạc sĩ, giảng viên thanh nhạc được đào tạo bài bản về cổ điển, Nhật Huyền sở hữu nền tảng kỹ thuật vững chắc và đậm chất hàn lâm, với lối hát chuẩn chỉ, mẫu mực trong từng phát âm, nhả chữ, lấy hơi.
Khi hát cổ điển, nữ giảng viên mang đến những cách xử lý điêu luyện với nhiều kĩ thuật phức tạp. Tuy nhiên, khi chuyển từ cổ điển sang hát nhạc nhẹ, cô lại xử lý rất tinh tế khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả phải bất ngờ.
Mở đầu ca khúc, Nhật Huyền đã xuống tới tận C3 (một nốt rất thấp với giọng nữ), tiếp đó là một nốt C3 nữa vô cùng chắc chắn, tròn vành, rõ chữ, phát âm tách bạch, đúng chất một ca sĩ được học hành bài bản.
Thông thường, các giọng nữ khi xuống tới quãng 3 sẽ bị mờ và khó điều khiển, ở một số nữ cao gần như không còn nghe ra chữ. Nhưng Nhật Huyền với kỹ thuật vững vàng, cột hơi chắc chắn và vị trí âm thanh chuẩn mực đã xuống C3 một cách thoải mái, hát như kể chuyện, không một chút khó khăn, gắng gượng, không “đánh vật” với nốt trầm như nhiều giọng nữ khác.
Những quãng trầm rất đẹp này của Nhật Huyền không có nhiều giọng nữ ở Việt Nam có thể hát được,mà chỉ đếm trên đầu ngón tay như Thu Phương, Mỹ Hạnh, Mai Hoa…
Chưa dừng lại, ở câu hát tiếp theo, ngay trong chữ “Hà Nội”, Nhật Huyền đã kiểm soát giọng hát cực tốt khi ngân rung ở G3, đẩy âm lên xoang vòm để cộng hưởng độ vang dù ở quãng thấp. Cách xử lý khá tinh tế, vẽ ra một bức tranh Hà Nội của quá khứ thâm trầm, với màu cổ kính, rêu phong chỉ trong một chữ.
Nhật Huyền vốn là một ca sĩ cổ điển, chuyên hát dựng tiếng và cộng minh. Cô đã khéo léo xử lý kỹ thuật cổ điển sang nhạc nhẹ một cách tinh tế, không hề phô trương nhưng vẫn cho người nghe thấy được học thuật và cảm xúc. Những quãng trầm được Nhật Huyền sử dụng rất “đắt” để thể hiện một Hà Nội xưa đong đầy nỗi nhớ.
Nhưng điểm đặc biệt ở Nhật Huyền khác với những nữ trung trầm khác khi hát về Hà Nội là cô có thể thay đổi sắc thái giọng hát bằng những đoạn chuyển giọng, lên tông và mixed voice nhẹ nhàng, tạo nên sắc thái tươi sáng, đầy sức sống cho câu hát.
Ở những đoạn sau, Nhật Huyền hát pha nhẹ, ngân G4, G#4 đậm tính legato, nghe mượt mà, êm ái, đẩy lên tới tận C5 chest voice bùng nổ xúc cảm, thể hiện sự khắc khoải, vỡ òa của trái tim trong nỗi nhớ da diết về mối tình xưa, về Hà Nội những tháng năm đã qua không quay trở lại. Chỉ trong một bài hát, Nhật Huyền đã mở giọng thật (không tính giả thanh) tới tận 2 quãng tám, đây một điều đáng nể.
Cùng trong một nốt G#4, Nhật Huyển sử dụng được hai loại kỹ thuật khác nhau, đem tới hai sắc thái riêng biệt, lúc legato tươi tắn, trong sáng như nhớ về thời thanh xuân đẹp đẽ, lúc belting cộng minh cuộn trào để thể hiện ngọn lửa nội tâm bùng cháy, khắc khoải, đồng thời thổi vào bài hát cả chất lịch sử, văn hiến của Hà Nội. Từ đó, nữ ca sĩ đưa không gian âm nhạc đi từ cái riêng đến cái chung, từ câu chuyện tình yêu đôi lứa cá nhân tới tình yêu dành cho mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Các đoạn airy voice, bỏ nhỏ âm lượng được Nhật Huyền sử dụng tinh tế để đưa câu chuyện âm nhạc chạm tới trái tim người nghe, như những lời tâm sự đầy tâm trạng. Cách chuyển head voice ở quãng thấp D#4 cũng giúp câu hát trở nên mượt hơn, mềm hơn và êm ái hơn.
Hình ảnh đậm chất lãng mạn về một Hà Nội của ký ức
Dù chỉ đóng vai người dẫn chuyện trong MV nhưng Nhật Huyền vẫn nổi bật và khiến mọi người phải chú ý nhờ nhan sắc khả ái và quyến rũ. Nữ ca sĩ xuất hiện thanh lịch, tinh tế trong tà áo dài trắng, mái tóc dài đen nhánh như một thiếu nữ Hà Thành. Ai cũng bất ngờ khi biết Nhật Huyền đã bước vào tuổi 40 nhưng vẫn giữ được vóc dáng và sự trẻ trung đáng kinh ngạc.
Hình ảnh Nhật Huyền trong MV về Hà Nội như một nàng thơ đầy lãng mạn. Sự mềm mại giúp nữ ca sĩ thổi hồn vào MV những phong vị lãng mạn của Hà Nội xưa, cái chất lãng mạn đi từ văn thơ tới hội họa, phim ảnh và âm nhạc. Đó là dư âm của Hà Nội một thời để nhớ, để yêu, để in sâu trong ký ức những con người từng sinh sống tại nơi đây. Một số hình ảnh trong MV khiến khán giả liên tưởng đến những hình ảnh trong bộ phim "Đào, phở và Piano", đậm chất lãng mạn nhưng không kém phần hào hùng, kiêu hãnh.
Về phía mình, ca sĩ Nhật Huyền tâm sự: "Khi nghe "Hà Nội, Ngày... tháng... năm..." từ demo, tôi đã thực sự xúc động. Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng mảnh đất này đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm, đã đồng hành và sẽ chia cùng tôi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Bài hát có giai điệu quá đẹp mà khi hát lên tôi cảm thấy như một phần ký ức của mình đã được sống lại. Rất hạnh phúc vì được mang ca khúc này đến với tất cả mọi người."
Nhật Huyền tên thật là Bùi Thị Thu Huyền, hiện là giảng viên đang giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, mang quân hàm Trung tá.
Các sản phẩm đã ra mắt của cô gồm album thính phòng Ave Maria, album nhạc trữ tình Buồn, MV Chị chị em em, CD Trữ tình Vol 1, 2, dự án âm nhạc Ngũ Hành với 4 ca khúc Cô gái đại dương, Nụ hôn đánh thức, Ngai vàng tình yêu, Phượng hoàng lửa…
Nhật Huyền là một trong số ít những ca sĩ nữ của Việt Nam sở hữu chất giọng Mezzo Alto dày và nội lực. Sau những sản phẩm âm nhạc mang đậm tính hàn lâm, cô chuyển hướng chinh phục dòng nhạc trữ tình với màu sắc sâu lắng, hướng đến đại chúng nhiều hơn.