Nhà báo Hoàng gia kể về cuộc sống nhiều cái "không" của Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản

Minh Nguyệt Đỗ |

Nhật Hoàng Akihito luôn gần gũi với nhân dân. Nhưng cuộc sống của ông có khác biệt gì so với những người dân Nhật Bản bình thường?

Sau đây là lời giải đáp của Nhà báo Hoàng gia Yasushi Kuno về một số câu hỏi thường gặp.

1. Ai nấu ăn cho Hoàng thất?

Khi mới kết hôn, Hoàng Hậu Michiko là Hoàng Hậu đầu tiên có một căn bếp riêng trong Hoàng cung Tokyo. Chính tay bà đã chuẩn bị những hộp cơm ăn trưa (bento) cho các vị Hoàng tử và Công chúa.

Tuy nhiên, các bữa ăn và đồ ăn khác của Hoàng gia được phục vụ bởi Daizen (Đại Thiện) – một bộ phận thuộc Cơ quan Nội chính Hoàng gia. Bộ phận này gồm 25 người, được chia làm 5 nhóm phục vụ: Đồ ăn truyền thống Nhật Bản, Đồ ăn phương Tây, Bánh kẹo, Bánh mì và Bộ phận phụ trách nấu ăn cho gia đình Hoàng thái tử.

Riêng gia đình em trai Thái tử, Thân vương Fumihito, sống tại Thu Tiểu Cung - cung điện của riêng gia đình Thân vương – thì thuê đầu bếp riêng.

Các nguyên liệu nấu nướng như rau, thịt và trứng… được lấy từ Nông trại Hoàng gia, tọa lạc tại tỉnh Tochigi. Các nguyên liệu khác không được nuôi trồng tại Nông trại Hoàng gia như hải sản sẽ được mua từ nguồn đáng tin cậy.

2. Gia đình Nhật hoàng có sổ hộ khẩu không?

Nhật hoàng và Hoàng tộc KHÔNG có sổ hộ khẩu. Nhật hoàng và các thành viên Hoàng tôc sẽ được ghi tên trong cuốn “Hoàng thống phổ” – cuốn sổ “gia phả” của Hoàng tộc Nhật Bản. Do Hoàng gia Nhật Bản không có họ, nên các thông tin được ghi lại chỉ bao gồm: tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ.

Nếu một thành viên nữ của Hoàng tộc (như các công chúa) xuất giá và lập gia đình với 1 thường dân, thì tên của vị Hoàng nữ đó trong “Hoàng thống phổ” sẽ bị xóa đi và được nhập vào hộ tịch của chồng.

Trong trường hợp của Hoàng hậu Michiko – một người phụ nữ thường dân được cưới vào Hoàng tộc – thì tên của bà trong sổ hộ khẩu gia đình sẽ bị xóa đi và được ghi lại trong “Hoàng thống phổ”.

3. Các thành viên Hoàng tộc có Hộ chiếu không?

Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới không cần hộ chiếu. Nhật Hoàng là nguyên thủ quốc gia của Nhật Bản, nên ông không cần Hộ chiếu hay xin thị thực. Các thành viên khác của Hoàng tộc cũng không cần hộ chiếu. Mỗi khi họ đi công du hay du lịch nước ngoài, họ sẽ được cấp hộ chiếu ngoại giao dùng 1 lần.

Và đương nhiên Nhật hoàng và các thành viên Hoàng tộc sẽ không phải xếp hàng khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay. Sẽ có quầy thủ tục riêng dành cho họ.

Nhà báo Hoàng gia kể về cuộc sống nhiều cái không của Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản - Ảnh 2.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Vạn Lý Trường Thành năm 1992. Ảnh: Kyodo.

4. Thành viên Hoàng tộc có thể ly hôn không?

Thành viên Hoàng tộc có thể ly hôn. Theo điều 14 trong “Hoàng thất điển phạm” – hay Bộ luật Hoàng gia Nhật Bản – thành viên Hoàng tộc sau khi ly hôn sẽ phải từ bỏ địa vị Hoàng gia. Tuy nhiên, đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoàng tộc Nhật Bản. Hơn nữa, Nhật Hoàng và Hoàng thái tử không được phép rời khỏi hoàng thất.

Trường hợp một thành viên nữ của Hoàng tộc từ bỏ địa vị Hoàng gia và kết hôn với một dân thường, nếu hai người đó ly hôn thì Hoàng nữ đó cũng không được phép quay trở lại địa vị Hoàng gia cũ của mình. Và bởi vì Hoàng thất Nhật bản không có họ, nên sau khi ly hôn, Hoàng nữ đó vẫn sử dụng họ của chồng cũ.

(ND: Theo phong tục Nhật Bản, khi phụ nữ lấy chồng phải đổi sang họ chồng. Khi ly hôn họ không lấy họ của chồng nữa mà đổi lại họ thời con gái của mình.)

5. Nhật Hoàng thi bằng lái xe thế nào?

Khi còn là Hoàng thái tử, Nhật Hoàng Akihito đã thi lấy bằng lái xe tại một trường sát hạch bằng lái xe ô tô tư nhân.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Ở Nhật, khi đến 70 tuổi, bạn sẽ phải tham gia một khóa học gia hạn bằng lái xe cho người cao tuổi. Do đó, một khóa học riêng dành cho Nhật Hoàng đã được tạo ra – với nội dung giống hệt với khóa học cho những người cao tuổi khác – nhưng khóa học này diễn ra tại Đông Ngự Uyển – Khu vườn Hoàng gia phía Đông Hoàng cung.

Tuy nhiên, Nhật Hoàng chỉ sử dụng ô tô để di chuyển đến các sân tennis trong Hoàng cung mà thôi.

Nhà báo Hoàng gia kể về cuộc sống nhiều cái không của Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản - Ảnh 4.

Nhật hoàng tự lái xe. Ảnh: toyokeizai.

6. Cụ thể công việc của Nhật Hoàng là gì?

Công việc chủ yếu của Nhật Hoàng là người đại diện quốc gia theo quy định trong Hiến pháp. Ví dụ, các dự luật sau khi được Quốc hội thông qua, cần có chữ ký của Nhật Hoàng thì mới có hiệu lực. Trong một năm, Nhật hoàng ký duyệt khoảng 1000 dự luật.

Ngoài ra Nhật hoàng còn tham gia lễ trồng cây, đến thăm các khu vực thiên tai, thảm họa, gửi điện chúc mừng hay chia buồn tới các Nguyên thủ quốc gia khác, nhận quốc thư từ các đại sứ nước ngoài mới tới Nhật Bản, hay chào các đại sứ khi họ hết nhiệm kỳ trở về nước. Những ví dụ trên đây chỉ là một phần trong số những công việc hàng ngày mà Nhật Hoàng phải làm mà thôi.

7. Việc mua quần áo thông thường được thực hiện như thế nào?

Bởi vì quá bận rộn, nên các thành viên Hoàng gia không tự minh đi mua trang phục.

Khi Nhật hoàng muốn mua trang phục, Ngài sẽ lựa chọn trên catalogue của các trung tâm thương mại. Sau khi xem catalogue, nếu Nhật Hoàng muốn xem mẫu nào, mẫu đó sẽ được mang trực tiếp tới Hoàng cung để thử, chọn lựa, và nếu ưng ý, Ngài ấy sẽ mua.

Tuy hệ thống các nhà cung cấp đồ dùng cho Hoàng gia (chế độ chỉ định một vài nhà cung cấp làm đồ dùng riêng cho Hoàng gia) đã bị bãi bỏ vào năm 1954, nhưng có vẻ như việc cung cấp trang phục cho Hoàng gia chỉ dành cho một vài trung tâm thương mại nhất định. Chính xác là cửa hàng nào thì không ai biết, nhưng chắc chắn đó phải là một cửa hàng có lịch sử truyền thống lâu đời.

Nhà báo Hoàng gia kể về cuộc sống nhiều cái không của Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản - Ảnh 5.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Saipan, năm 2005. Ảnh: Kyodo.

8. Vậy Nhật Hoàng có nhà tạo mẫu tóc riêng không?

Tất nhiên rồi. Và chắc chắn đó phải là người hiểu được sở thích và nhu cầu của Nhật Hoàng và các thành viên khác trong hoàng tộc.

Nhật Hoàng Hirohito (Chiêu Hòa) chỉ có 1 thợ cắt tóc duy nhất, và có lẽ là Nhật Hoàng Akihito cũng vậy. Những người thợ cắt tóc ấy sở hữu cửa hiệu riêng, và khi được gọi thì họ sẽ tới Hoàng cung và cắt tóc cho các vị Nhật Hoàng.

Khi một thợ cắt tóc già đi và không thể làm việc được nữa, một học trò của họ sẽ tiếp nhận công việc này.

9. Điều kiện để một người phụ nữ được kết hôn với một thành viên hoàng gia là gì?

Không có văn bản chính thức nào quy định những điều kiện này. Tuy nhiên vẫn có những điều kiện bất thành văn như người phụ nữ đó phải tham gia khóa học dành cho các vương phi, phải đọc được “waka” (ND: một loại thơ cổ truyền thống của Nhật Bản), và chắc chắn phải có nhân cách tốt. Tài sản không nằm trong số các điều kiện kết hôn.

Khi một người phụ nữ thuộc Hoàng tộc từ bỏ thân phận Hoàng gia và kết hôn, lễ cưới của họ phải được Hội nghị Hoàng gia chấp thuận. Một số điều tra cá nhân liên quan đến người chồng có thể được thực hiện, nhưng hầu như sẽ không có những cuộc điều tra lý lịch nghiêm ngặt nào.

10. Cây đàn Cello của công chúa Aiko là tài sản riêng của cô ấy?

Nhà báo Hoàng gia kể về cuộc sống nhiều cái không của Nhật hoàng và Hoàng gia Nhật Bản - Ảnh 6.

Công chúa Aiko. Ảnh: toyokeizai.

Khoản tiền chi tiêu cho các gia đình Nhật Hoàng và Hoàng thái tử được gọi là “Nội đình phí”.

(ND: Trong Hoàng thất thì gia đình Nhật Hoàng được gọi là “Nội đình”, ngoài nội đình là các vương phủ (cung) khác như cung của em trai Thái tử, thân vương Fumihito-Thu Tiểu Cung.)

Cây Cello của công chúa Aiko cũng được chi trả từ khoản phí này. Cello là sở thích riêng của công chúa nên cây đàn đó là tài sản riêng của công chúa Aiko.

Tuy nhiên các chi phí giáo dục thì lại khác. Ví dụ chi phí liên quan đến việc học hành của thân vương Hisahito – cháu nội của Nhật hoàng Akihito, người sẽ kế vị ngai vàng trong tương lai – sẽ được chi trả bởi nhà nước Nhật Bản. Ngoài việc đó, các chi tiêu sẽ được tính vào “Nội đình phí”. Cây viola của Hoàng thái tử cũng vậy.

11. Có thật là Nhật hoàng không thể bị trừng phạt?

Đúng, Nhật hoàng không thể bị phạt, bởi vì ông không phải là một công dân bình thường. Ông cũng không có quyền tự ứng cử và quyền bầu cử. Nhật Hoàng không có những quyền lợi của một công dân thông thường.

Tuy nhiên, như những người bình thường khác, Nhật hoàng cũng có thể bị kiện. Nhưng tôi nghĩ rằng một người được giáo dục để trở thành một Nhật hoàng - biểu tượng của nhân dân Nhật Bản – sẽ có đủ ý thức tự giác và những điều như hình phạt sẽ không có khả năng xảy ra.

12. Các thành viên Hoàng gia có thể chọn nghề nghiệp cho riêng mình?

Họ không có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, và việc đi làm như một người bình thường cũng tương đối khó khăn.

Bởi vì các thành viên Hoàng gia có nghĩa vụ riêng của họ, và họ bắt buộc phải ưu tiên cho nghĩa vụ đó. Chính vì vậy, họ không thể làm việc toàn thời gian ở một công ty hay tổ chức nào đó được. Chính vì vậy, chuyện tìm việc làm đối với khá là khó khăn, và nếu họ có tìm được thì công việc cũng bị hạn chế.

Ví dụ như trước đây, Thân vương Norihito, em họ của Nhật Hoàng Akihito, đã từng làm việc tại Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, nhưng cũng chỉ như là làm việc bán thời gian, và tiền lương thì không cao lắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại